Câu Hỏi Thường Gặp 2018-12-27T10:05:29+07:00

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Nhãn năng lượng

a) Nhãn năng lượng xác nhận

Nhãn năng lượng xác nhận: là nhãn thể hiện hình biểu tượng Tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ.
Màu sắc, kích thước nhãn năng lượng xác nhận được quy định cụ thể dưới đây:

Nhan_Nang_Luong_Xac_Nhan-

b) Nhãn năng lượng so sánh

Nhãn năng lượng so sánh: là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng khác nhau ứng với năm cấp hiệu suất năng lượng ( từ một sao đến năm sao ). Nhãn năm sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn.

Hình ảnh nhãn năng lượng so sánh hiển thị dưới đây tương ứng với 5 cấp hiệu suất năng lượng theo quy định (thể hiện bằng số sao trên nhãn)

Màu sắc và kích thước của nhãn năng lượng so sánh được quy định cụ thể dưới đây

 Nhãn So Sánh 5 sao

Nhãn so sánh năng lượng bao gồm các thông tin:
a) Mã chứng nhận: Là mã do Bộ Công Thương cấp nhằm phục vụ công tác quản lý, được Bộ Công Thương quy định cụ thể trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

b) Tên/mã sản phẩm: Là tên hoặc mã sản phẩm doanh nghiệp đăng ký dán nhãn và được Bộ Công Thương cấp trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

c) Hãng sản xuất: Là tên của tổ chức/doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng.

d) Nhà nhập khẩu: Là tên của tổ chức/doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng (chỉ áp dụng đối với nhà nhập khẩu).

e) Phần thể hiện chỉ số đánh giá mức tiết kiệm năng lượng (Cấp hiệu suất năng lượng): Lượng năng lượng tiêu thụ trong một giờ vận hành của các sản phẩm cùng chủng loại nhưng do các nhà sản xuất khác nhau chế tạo được chia thành 5 khoảng tương ứng với số sao trên nhãn (từ 1 sao đến 5 sao). Mức tiết kiệm năng lượng (cấp hiệu suất năng lượng) do Bộ Công Thương xác định qua việc đánh giá kết quả thử nghiệm chỉ tiêu hiệu suất năng lượng của sản phẩm và được thể hiện trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

f) Mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm: trị số tiêu thụ năng lượng được tính bằng kWh/năm.

g) Các thông tin khác: được quy định chi tiết trong Quyết định cấp Giấy chứng nhận phù hợp với từng loại sản phẩm cụ thể.

Hoạt động dán nhãn năng lượng là biện pháp có hiệu quả nhằm định hướng việc sử dụng các phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất.
Thực hiện dán nhãn năng lượng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao; buộc các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu thiết bị đưa ra các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các các sản phẩm TKNL hoặc sản phẩm có hiệu suất năng lượng mong muốn đang lưu thông trên thị trường. Với hàng triệu các sản phẩm sử dụng năng lượng có hiệu suất cao được dùng rộng rãi trong đời sống sẽ tổng hợp thành mức tiết kiệm lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn xã hội.

Về phía người tiêu dùng, nhãn TKNL khi xuất hiện trên thị trường đóng vai trò như một yếu tố thu hút sự chú ý cũng như thường xuyên lưu ý người tiêu dùng khi đưa ra các quyết định mua sắm thiết bị sử dụng năng lượng.

Đối với các nhà sản xuất, một khi các sản phẩm TKNL được dán nhãn xuất hiện trên thị trường và gây sự chú ý của cộng đồng, khi đó sẽ hình thành áp lực lên các nhà sản xuất chưa dán nhãn sản phẩm TKNL, tạo động cơ để các nhà sản xuất đầu tư, nâng cao hiệu suất cho các sản phẩm được sản xuất, đem ra thị trường.

Khi tham gia Chương trình dán nhãn TKNL doanh nghiệp sẽ được nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài. Lợi ích trước mắt là tăng đầu ra cho sản phẩm đồng thời DN có các sản phẩm TKNL sẽ được hưởng các ưu đãi tài chính. Về lâu dài, việc thực hiện dán nhãn TKNL chính là cơ hội để DN quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường. Dán nhãn TKNL không chỉ là tiêu chí đánh giá ‎ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN mà thông qua đó còn tạo ra xu hướng tiêu dùng trong xã hội hiện đại.

Nếu doanh nghiệp đã đăng ký công bố dán Nhãn Năng Lượng, và nếu doanh nghiệp không có thay đổi gì liên quan đến hồ sơ doanh nghiệp, nơi sản xuất sản phẩm, thì đối với các lô hàng nhập khẩu tiếp theo với cùng chủng loại, model, hoặc có thay đổi nhưng không ảnh hưởng đến hiệu suất năng lượng so với sản phẩm trong lô hàng nhập khẩu trước đã được chứng nhận dán nhãn năng lượng, thì doanh nghiệp vẫn có thể mang công văn xác nhận công bố/ phiếu thử nghiệm cũ ra Hải Quan để Thông Quan.

Có thể gửi hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng khi chưa có kết quả thực nghiệm. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp cần bổ sung kết quả thử nghiệm vào hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng. Việc gửi sớm hồ sơ đăng ký có thể giúp hội đồng thẩm định của Bộ Công Thương xác định chính xác yêu cầu thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với các sản phẩm đăng ký. Việc này có thể giúp doanh nghiệp giảm số lượng mẫu thử nghiệm, tiết kiệm chi phí.

Hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng phải gửi về địa chỉ duy nhất là Văn phòng tiết kiệm năng lượng Bộ Công Thương – 23 Ngô Quyền – Hà Nội.

Doanh nghiệp được chứng nhận dán nhãn năng lượng không phải trả cho Bộ Công Thương bất kỳ khoản phí nào.

Doanh nghiệp chịu chi phí thử nghiệm hiệu suất năng lượng. Chi phí thử nghiệm được trả cho phòng thử nghiệm.

Hiện tại, chi phí thử nghiệm hiệu suất năng lượng do các phòng thử nghiệm áp dụng không phụ thuộc vào công suất hay sản lượng, hay độ lớn của lô hàng. Chi phí in ấn, dán nhãn lên sản phẩm…. do doanh nghiệp chịu.

(Văn phòng Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương)