Dự Thảo Sửa Đổi QCVN 19:2024/BKHCN Quy Chuẩn Kỹ Thuật Quốc Gia
Về Sản Phẩm Chiếu Sáng Bằng Công Nghệ LED

Dự Thảo Sửa Đổi QCVN 19:2024/BKHCN – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED được ban hành vào tháng 05 năm 2024 nhằm rà soát và sửa đổi các quy định để giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và tổ chức liên quan trong quá trình áp dụng QCVN 19:2019/BKHCN đã ban hành trước đây. 

Xem thêm: Hồ sơ năng lực của Trung tâm Thử nghiệm Kiểm định và Chứng nhận Phúc Gia

Sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED mang nhiều ưu điểm tiết kiệm năng lượng và hiệu quả cao, đã dần thay thế đèn huỳnh quang và compact trong các lĩnh vực như gia dụng, văn phòng và chiếu sáng công cộng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và chất lượng cho các sản phẩm này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành QCVN 19:2019/BKHCN, tập trung vào quản lý các tiêu chí về an toàn điện, tương thích điện từ và an toàn quang sinh học.

Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng đã có một số bất cập trong thực tiễn triển khai. Trước tình hình đó, việc sửa đổi QCVN 19:2024/BKHCN là cần thiết để điều chỉnh các yêu cầu, phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn khi thực hiện. Dự thảo đã có những sửa đổi, bổ sung trong phạm vi điều chỉnh, quy định chung, yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu quản lý, tổ chức thực hiện, đánh giá rủi ro và 1 số phụ lục đi kèm.

Để hoàn thiện nội dung Dự thảo này Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị có liên quan (trong đó có Công ty Cổ phần Phòng thử nghiệm Phúc Gia – một trong các tổ chức được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định được phép thực hiện thử nghiệm, chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn theo QCVN 9:2012/BKHCN và QCVN 19:2019/BKHCN.

Xem thêm: Trung Tâm Chứng Nhận Phúc Gia – Công Ty Cổ Phần Phòng Thử Nghiệm Phúc Gia Được Chỉ Định Chứng Nhận Sản Phẩm, Hàng Hoá Thuộc QCVN 9:2012/BKHCN Và QCVN 19:2019/BKHCN

Với mục đích chia sẻ rộng rãi và cập nhật những chính sách mới nhất của Chính Phủ, Bộ Ngành… liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu các sản phẩm Điện – Điện tử, chúng tôi kính gửi các Quý cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là các Đối tác/ Khách hàng của Phúc Gia đang thực hiện tuân thủ các quy định của Chính phủ nói chung và Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng được biết và đóng góp ý để các văn bản dự thảo này được hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi nhất.

Các ý kiến của Đối tác/ Khách hàng của Phúc Gia vui lòng gửi về Phúc Gia qua email [email protected] để chúng tôi tổng hợp và chuyển đến Bộ Khoa học và Công nghệ, hoặc Quý tổ chức/ cơ quan có thể gửi trực tiếp đến Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI).

DỰ THẢO SỬA ĐỔI QCVN 19:2024/BKHCN LẦN 1 – QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ SẢN PHẨM CHIẾU SÁNG BẰNG CÔNG NGHỆ LED

Dự Thảo Sửa Đổi QCVN 19:2024/BKHCN quy định quy chuẩn này sẽ do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc chiếu sáng bằng công nghệ LED biên soạn, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Quốc Gia trình duyệt và được ban hành theo Thông tư Tương ứng của Bộ trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ.

1. Quy định chung

Quy chuẩn kỹ thuật này quy định các yêu cầu về an toàn, tương thích điện từ và các yêu cầu về quản lý đối với các sản phẩm chiếu sáng thông dụng sử dụng công nghệ đi-ốt phát sáng – LED (sâu đây gọi là sản phẩm chiếu sáng LED) được quy định tại Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật này.

Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với:

  • Thiết bị chiếu sáng thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 35:2024/BGTVT;
  • Thiết bị chiếu sáng trong công trình chiếu sáng quy định tại QCVN 07-7:2023/BXD
  • Thiết bị chiếu sáng trong phương tiện quảng cáo ngoài trời quy định tại QCVN 17:2018/BXD;
  • Thiết bị chiếu sáng không thuộc phạm vi áp dụng của các tiêu chuẩn tương ứng nêu trong Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật này.

Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm chiếu sáng LED quy định tại Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật này, các tổ chức đánh giá sự phù hợp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Trong Quy chuẩn kỹ thuật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1 Công nghệ LED: là công nghệ phát sáng sử dụng các đi-ốt phát ra các bước sóng ánh sáng khi có dòng điện đi qua, có thể là vùng hồng ngoại, tử ngoại hoặc vùng ánh sáng nhìn thấy.

1.3.2. Bóng đèn LED: là tập hợp các linh kiện thành một thiết bị sử dụng công nghệ LED để chiếu sáng, có thể có hoặc không tích hợp bộ điều khiển, được thiết kế để kết nối với nguồn điện thông qua đầu đèn tiêu chuẩn được tích hợp.

1.3.3. Bóng đèn LED có ba-lát lắp liền: là khối khi tháo rời sẽ bị hỏng vĩnh viễn, được lắp cùng với đầu đèn và kết hợp với nguồn sáng LED và phần tử bổ sung cần thiết để vận hành ổn định các nguồn sáng.

1.3.4. Nguồn sáng LED: là tập hợp các linh kiện thành một thiết bị sử dụng công nghệ LED chiếu sáng.

1.3.5. Đèn điện LED: là một thiết bị hoàn chỉnh bao gồm một hoặc nhiều nguồn sáng LED, bộ điều khiển LED, bộ phận phân phối ánh sáng, các bộ phận để cố định và bảo vệ bóng đèn, các bộ phận để kết nối với nguồn điện và các bộ phận khác. 

1.3.6. Đèn điện LED thông dụng: là đèn điện LED không được thiết kế dùng cho mục đích đặc biệt. Ví dụ: đèn điện LED sử dụng cho quay phim, chụp ảnh, bể bơi. nuôi trồng, đánh bắt, đèn trên phương tiện giao thông.

1.3.7. Đèn điện LED thông dụng cố định: là đèn điện LED dùng với mục đích chiếu sáng và được thiết kế để chỉ có thể tháo khi có dụng cụ hỗ trợ hoặc sử dụng ngoài tầm với.

1.3.8. Đèn điện LED thông dụng di động: là đèn điện LED dùng với mục đích chiếu sáng và có thể di chuyển từ một vị trí này sang vị trí khác trong khi vẫn được nối với nguồn.

1.3.9. Sản phẩm chiếu sáng LED: là tên gọi chung cho các sản phẩm được quy định tại Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật này. 

2. Yêu cầu kỹ thuật

Các sản phẩm chiếu sáng LED phải phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng nêu trong Phụ lục A.

Các sản phẩm chiếu sáng LED tại Phụ lục A của quy chuẩn kỹ thuật này phải nằm trong nhóm miễn trừ trong nhóm miễn trừ (Exempt group) không có nguy cơ về quang sinh học hoặc nhóm 1 (Risk group 1) không có nguy cơ về quang sinh học với sử dụng thông thường khi thử nghiệm, đánh giá, phân loại theo TCVN 13079-1:2020 (IEC 62471:2006) Photobiological safety of lamps and lamp systems (An toàn quang sinh học đối với bóng đèn và hệ thống bóng đèn).

Các sản phẩm chiếu sáng LED tại Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật này phải bảo đảm nhiễu điện từ (EMI) và miễn nhiễm điện từ (EMS) phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng nêu trong Phụ lục A.

3. Yêu cầu quản lý

Các sản phẩm chiếu sáng LED tại Phụ lục A Quy chuẩn kỹ thuật này phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.

Các sản phẩm chiếu sáng LED sản xuất trong nước và nhập khẩu phải thực hiện việc công bố hợp quy theo quy định tại  Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây viết tắt là Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của  Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN).

Các sản phẩm chiếu sáng LED nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.

3.4.1. Việc công bố hợp quy phải dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Nghị định số 107/2016/NĐ-CP), Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (sau đây viết tắt là Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN).

3.4.2. Chứng nhận hợp quy

a) Việc chứng nhận thực hiện theo phương thức 1 (thử nghiệm mẫu điển hình) quy định trong Phụ lục II của  Thông tư số 28/2012/TT-BKHCNThông tư số 02/2017/TT-BKHCN).

b) Thử nghiệm phục vụ việc chứng nhận phải được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN. Phạm vi thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này.

c) Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy có giá trị không quá 3 năm.

3.4.3. Sử dụng dấu hợp quy

Dấu hợp quy phải tuân thủ theo Khoản 2 Điều 4 của “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo  Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN

Trình tự, thủ tục và hồ sơ công bố hợp quy đối với thiết bị điện, điện tử sản xuất trong nước và nhập khẩu thực hiện theo Thông tư 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN.

Tổ chức chứng nhận xem xét và thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp do các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài đã được Việt Nam thừa nhận trong khuôn khổ các hiệp định, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau mà Việt Nam đã ký kết.

Tổ chức chứng nhận có thể ký kết thỏa thuận thừa nhận kết quả thử nghiệm hoặc sử dụng tổ chức thử nghiệm nước ngoài có đủ năng lực thực hiện các yêu cầu kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này nếu tổ chức thử nghiệm đó có đủ năng lực và đáp ứng các quy định tại tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 trong phạm vi thừa nhận.

Việc ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau phải được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.

Tổ chức chứng nhận có thể xem xét sử dụng kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm nước ngoài để phục vụ chứng nhận. Tổ chức thử nghiệm nước ngoài có kết quả thử nghiệm được sử dụng phải được các tổ chức công nhận là thành viên của APAC hoặc ILAC công nhận phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Phạm vi được công nhận của tổ chức thử nghiệm nước ngoài phải bao gồm các tiêu chuẩn và sản phẩm nêu trong kết quả thử nghiệm được sử dụng.

Tổ chức chứng nhận được phép xem xét thừa nhận, sử dụng các kết quả thử nghiệm theo các phiên bản tiêu chuẩn mới hơn so với các phiên bản tiêu chuẩn quy định trong Danh mục thiết bị điện.

Định kỳ mỗi quý, tổ chức chứng nhận phải gửi báo cáo về việc thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp đến Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia để theo dõi và quản lý. Khi cần thiết Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia sẽ tổ chức kiểm tra việc thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp.

Khi thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài, tổ chức chứng nhận phải chịu trách nhiệm về việc thừa nhận, sử dụng này.

Đối với sản phẩm Bóng đèn LED có ba-lát lắp liền, nếu đã được chứng nhận hợp quy về tương thích điện từ (EMC) theo Quy chuẩn kỹ thuật này thì không phải chứng nhận hợp quy theo QCVN 9:2012/BKHCN về EMC đối với thiết bị điện, điện tử gia dụng và các mục đích tương tự.

4. Trách nhiệm của tổ chức cá nhân

4.1. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chiếu sáng LED phải bảo đảm chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4.2. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Mục 2, thực hiện quy định tại Mục 3 của Quy chuẩn kỹ thuật này.

4.3. Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chiều sáng LED sau khi được chứng nhận hợp quy phải đăng ký bản công bổ hợp quy tại Sở Khoa học và Công nghệ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo quy định tại  Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN.

4.4. Doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm chiếu sáng LED sau khi được chứng nhận hợp quy phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại cơ quan kiểm tra theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCNThông tư số 07/2017/TT-BKHCN.

4.5. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp các bằng chứng về sự phù hợp của sản phẩm với Quy chuẩn kỹ thuật này khi có yêu cầu hoặc khi được kiểm tra theo quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này.

5.2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn được viện dẫn trong Quy chuẩn kỹ thuật này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

5.3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật được viện dẫn trong Quy chuẩn kỹ thuật này có sự thay đổi thì thực hiện theo văn bản hiện hành.

5.4. Trường hợp Việt Nam tham gia, ký kết các hiệp định song phương hoặc đa phương thì thực hiện theo các quy định tại các hiệp định đó.

Phụ lục A – Danh mục các sản phẩm chiếu sáng phải đảm bảo các yêu cầu theo dự thảo QCVN 19:2024/BKHCN

TT Phạm vi điều chỉnh Mã HS theo Thông tư 31 Tiêu chuẩn áp dụng
An toàn điện và an toàn quang sinh học EMC (EMS và EMI)
1 Bóng đèn LED có ba-lát lắp liền dùng cho chiếu sáng thông dụng làm việc ở điện áp lớn hơn 50 V 8539.52.10

8539.52.90

2 Bóng đèn LED hai đầu được thiết kế thay thế bóng đèn huỳnh quang ống thẳng  8539.52.90
  • TCVN 7186:2018 (CISPR 15:2018)
  • TCVN 12679:2019 (IEC 61547:2009)
3 Đèn điện LED thông dụng cố định (đèn trần, đèn tường, đèn chùm) 9405.11.99
  • TCVN 7186:2018 (CISPR 15:2018)
  • TCVN 12679:2019 (IEC 61547:2009)
4 Đèn điện LED thông dụng cố định lắp chìm (đèn downlight)  9405.11.99
  • TCVN 7186:2018 (CISPR 15:2018)
  • TCVN 12679:2019 (IEC 61547:2009)
5 Đèn rọi LED 9405.11.91
  • TCVN 7722-1:2017 (IEC 60598-1:2014 + AMD1:2017)
  • TCVN 7722-2-1
  • TCVN 13079-1:2020 (IEC 62471:2006)
  • TCVN 7186:2018 (CISPR 15:2018)
  • TCVN 12679:2019 (IEC 61547:2009
6 Đèn điện LED thông dụng di động (đèn bàn, đèn cây, đèn giường…)  9405.21.90
  • TCVN 7186:2018 (CISPR 15:2018)
  • TCVN 12679:2019 (IEC 61547:2009)

Sản phẩm chiếu sáng LED đã thực hiện An toàn quang sinh học theo TCVN 13079-1:2020 (IEC 62471:2006) thì không cần thử nghiệm An toàn quang sinh học theo theo các Tiêu chuẩn an toàn về Điện.

Trong trường hợp các tiêu chuẩn quốc tế IEC có cập nhập, có thể áp dụng cả các phiên bản mới hơn của tiêu chuẩn IEC.

Phụ lục B – Hướng dẫn chứng nhận hợp quy

Tổ chức chứng nhận phải xây dựng quy trình chứng nhận dựa trên các yêu cầu, hướng dẫn của các văn bản sau:

  •  Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
  • Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN;
  • TCVN ISO/IEC 17067:2015 Đánh giá sự phù hợp – Nguyên tắc cơ bản trong chứng nhận sản phẩm và hướng dẫn về chương trình chứng nhận sản phẩm và hướng dẫn về chương trình chứng nhận sản hẩm với chương trình chứng nhận 1a tương ứng với phương thức 1 theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN;
  • TCVN ISO/IEC TR 17026:2016 Đánh giá sự phù hợp – Ví dụ về chương trình chứng nhận sản phẩm hữu hình;

Quy trình chứng nhận sẽ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia kiểm tra, xem xét khi cần thiết.

Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận, khi có khiếu nại hoặc khi phát hiện hàng hóa trên thị trường có vấn đề về chất lượng, tổ chức chứng nhận phải tiến hành đánh giá giám sát đột xuất bằng cách lấy mẫu tại kho của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc lấy mẫu trên thị trường.  Kiểm tra kết cấu, linh kiện so với mẫu sản phẩm đã được chứng nhận (đối chiếu với mẫu lưu). Nếu cần, có thể thử nghiệm lại trên các mẫu đã được lấy khi đánh giá giám sát để có kết luận về chất lượng của sản phẩm đang lưu hành trên thị trường.

Trong trường hợp có bằng chứng về sự không phù hợp của sản phẩm thông qua đánh giá giám sát hoặc tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng nhận hợp quy không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2, Điều 49 của Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tùy theo mức độ vi phạm, tổ chức chứng nhận thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp như đình chỉ giấy chứng nhận với thời gian đình chỉ không quá 3 tháng hoặc hủy bỏ hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận.

Khi bị đình chỉ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải dừng đưa ra thị trường các sản phẩm đã bị đình chỉ, phải có biện pháp xử lý thích hợp đối với các sản phẩm không phù hợp đã lưu thông trên thị trường và khắc phục các nội dung vi phạm. Nếu quá thời gian đình chỉ mà tổ chức, cá nhân vi phạm không hoàn tất việc khắc phục các nội dung vi phạm thì tổ chức chứng nhận xem xét thực hiện biện pháp hủy bỏ hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận.

Khi bị hủy bỏ hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận, tổ chức, cá nhân vi phạm phải dừng đưa ra thị trường sản phẩm đã bị thu hồi Giấy chứng nhận và phải có biện pháp xử lý thích hợp đối với toàn bộ các sản phẩm không phù hợp đã lưu thông trên thị trường.

Thử nghiệm điển hình được thực hiện trên mẫu sản phẩm hoặc trên mẫu đại diện họ sản phẩm.

Xác định họ sản phẩm và chọn mẫu đại diện họ sản phẩm theo hướng dẫn tại Phụ lục C.

Mẫu dùng cho thử nghiệm thử nghiệm điển hình cần phải:

  • Đại diện cho sản phẩm được chứng nhận;
  • Được tạo ra từ các chi tiết, bộ phận lắp ráp đã được phê duyệt để sử dụng trong sản xuất;
  • Được tạo ra nhờ các công cụ sản xuất và được lắp ráp theo các phương pháp đã được lập cho các sản phẩm được chứng nhận.

Số lượng mẫu thử nghiệm điển hình phải đủ để thử nghiệm đầy đủ các nội dung theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng và lưu 01 mẫu cho mỗi họ sản phẩm.

Kết quả thử nghiệm điển hình phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau, khuyến khích sử dụng theo mẫu IECEE Test Report Form;

  • Đầy đủ các nội dung thử nghiệm theo yêu cầu kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này;
  • Các ảnh màu chụp bên ngoài, bên trong và nhãn của sản phẩm. Ảnh chụp phải thể hiện được hình dạng, kết cấu, phân bố linh kiện và chi tiết của các linh kiện, bộ phận quan trọng đối với sự an toàn hoặc tương thích điện từ của sản phẩm;
  • Danh mục các linh kiện chính thể hiện rõ tên linh kiện, ký mã hiệu, thông số kỹ thuật, dấu chứng nhận in trên linh kiện và số giấy chứng nhận phù hợp đã cấp cho linh kiện này (nếu có);
  • Mô tả các chi tiết khác biệt của các kiểu sản phẩm trong họ sản phẩm và phân tích lý do tại sao mẫu được chọn thử nghiệm là mẫu đại diện cho họ sản phẩm nếu thử nghiệm điển hình trên họ sản phẩm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng nhận cung cấp được kết quả thử nghiệm điển hình do các tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc được thừa nhận thực hiện thì tổ chức chứng nhận phải tiến hành xem xét, đánh giá nội dung của kết quả thử nghiệm điển hình đã đầy đủ và phù hợp với tiêu chẩn áp dụng. Tổ chức chứng nhận cũng cần phải xem xét, đánh giá sự phù hợp giữa sản phẩm được chứng nhận và thông tin về hình ảnh, kết cấu, linh kiện nêu trong kết quả thử nghiệm điển hình đã được tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng nhận cung cấp.

Trường hợp kết quả thử nghiệm theo các phiên bản tiêu chuẩn nêu trong Phụ lục A không phù hợp nhưng lại phù hợp khi thử nghiệm theo các phiên bản tiêu chuẩn mới hơn thì kết quả thử nghiệm theo các phiên bản tiêu chuẩn mới hơn được chấp nhận làm căn cứ để chứng nhận hợp quy.​

Kết quả thử nghiệm điển hình dùng trong chứng nhận lần đầu phải đầy đủ các nội dung theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng. 

Trong các lần chứng nhận lại, nếu kết quả xem xét trên mẫu sản phẩm cho thấy sản phẩm không thay đổi về kết cấu, linh kiện thì không cần thực hiện lại thử nghiệm điển hình.

Phụ lục C – Hướng dẫn về họ sản phẩm và chọn mẫu đại diện họ sản phẩm

Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên hướng dẫn OD-2041 Ed 2.0 – Guide on Product Families, Family Ranges or Series of Products của IECEE

Để giảm chi phí và thời gian thử nghiệm, các kiểu đèn có cùng đặc trưng được đưa vào cùng 1 họ sảm phẩm và chỉ thử nghiệm điển hình trên 1 kiểu hoặc vài kiểu đèn để đại diện cho cả họ sản phẩm.

Định nghĩa về họ sản phẩm như sau:

Tất cả các kiểu đèn trong cùng một họ sản phẩm thì có cùng thiết kế, cấu trúc, linh kiện hoặc các bộ phận thiết yếu nhằm đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn.

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến an toàn của sản phẩm trên các kiểu đèn trong cùng họ sản phẩm là như nhau.

Tùy theo loại sản phẩm mà các kiểu đèn trong cùng một họ sản phẩm có thể có một số khác biệt như kích thước, màu sắc, hình dạng bên ngoài và cũng có thể có khác biệt về thông số quang, điện như công suất danh định, dòng điện danh định, góc chiếu, nhiệt độ màu nhưng bản chất của sự khác biệt này không làm khác đi sự ảnh hưởng đến an toàn của một kiểu đèn so với các kiểu đèn khác trong cùng họ sản phẩm.

Nếu tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm đã có hướng dẫn xác định họ sản phẩm và chọn mẫu đại diện họ sản phẩm thì xác định theo hướng dẫn của tiêu chuẩn áp dụng.

Các gợi ý sau được tham khảo để xác định họ sản phẩm.

Tham khảo Phụ lục S, TCVN 7722-1:2017

Chỉ nhóm sản phẩm vào cùng họ sản phẩm cho các kiểu đèn cùng loại;

Nhóm sản phẩm vào họ sản phẩm dựa trên phân tích kết cấu, chức năng và linh kiện của sản phẩm. Các kiểu đèn trong cùng họ sản phẩm phải cùng loại đèn (VD cùng là loại bóng đèn có balát lắp liền), có cùng thiết kế cơ bản (có cùng cấu trúc mạch điện, bố trí linh kiện, cấp bảo vệ chống điện giật, cấp bảo vệ IP, sử dụng các đầu nối và các cơ cấu chịu nhiệt cùng loại). Nếu sử dụng các bộ điều khiển đèn (Driver) khác nhau cho các kiểu đèn trong cùng họ sản phẩm thì phải thử nghiệm bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến bộ điều khiển đèn trên các mẫu được lắp các bộ điều khiển đèn khác nhau.

Mẫu đèn LED hoặc nhóm mẫu đèn LED có nguy cơ gây mất an toàn cao nhất được chọn làm mẫu thử nghiệm điển hình để đại diện cho họ sản phẩm.

Nguồn sáng cơ bản (gói LED, Môđun LED) lắp trên các kiểu đèn trong cùng họ sản phẩm phải cùng loại.

Nếu có thể thử nghiệm và đánh giá được gói LED riêng lẽ thì có thế đánh giá đèn LED dựa trên kết quả đánh giá gói LED theo hướng dẫn tại Phụ lục D của TCVN 13080:2020 (áp dụng cho cả các loại bức xạ khác với ánh sáng xanh).

Trường hợp thử nghiệm trên đèn thì chọn kiểu đèn đại diện cho họ sản phẩm theo nguyên tắc sau:

  • Đèn có công suất lớn nhất (sử dụng nhiều gói LED nhất);
  • Đèn có góc chiếu hẹp nhất;
  • Nếu họ sản phẩm có các kiểu đèn với nhiệt độ màu khác nhau thì phải thử nghiệm trên kiểu đèn có nhiệt độ màu nhỏ nhất và kiểu đèn có nhiệt độ màu lớn nhất.

Nhóm sản phẩm vào họ sản phẩm đối với thử nghiệm EMI theo các nguyên tắc sau:

Nhiễu điện từ (EMI) thường gây ra bởi mạch cấp nguồn cho đèn như mạch điều khiển đèn LED (LED Driver), bộ nguồn DC (DC adaptor) cấp nguồn cho đèn…Vì vậy, nhóm sản phẩm đối với thử nghiệm EMI chủ yếu dựa trên đánh giá mạch cấp nguồn cho đèn LED.

Mạch cấp nguồn, vật liệu vỏ đèn trên các kiểu đèn trong cùng họ sản phẩm phải có cùng sơ đồ nguyên lý, bố trí linh kiện, chủng loại linh kiện thiết yếu, có thể khác nhau về công suất. Nếu mạch cầp nguồn có chức năng lọc nhiễu điện từ bằng mạch lọc nhiễu (EMI Filter) thì các kiểu đèn trong họ sản phẩm phải có thiết kế và linh kiện của mạch lọc nhiễu như nhau.

Chọn kiểu đèn có công suất lớn nhất làm mẫu đại diện cho họ sản phẩm.

Nếu sử dụng nhiều bộ điều khiển đèn (Driver) khác nhau cho các kiểu đèn trong họ sản phẩm thì phải thử nghiệm EMI trên nhiều kiểu đèn sao cho các loại bộ điều khiển đèn đều được thử nghiệm.

Nhóm sản phẩm theo nguyên tắc như trường hợp thử nghiệm EMI. Ngoài ra, các kiểu đèn trong cùng họ sản phẩm phải có cùng cấu trúc và vật liệu vỏ đèn.

Chọn kiểu đèn có công suất lớn nhất, nhỏ nhất và trung bình làm mẫu đại diện cho họ sản phẩm.

Nếu sử dụng nhiều bộ điều khiển đèn (Driver) khác nhau cho các kiểu đèn trong họ sản phẩm thì phải thử nghiệm EMS trên nhiều kiểu đèn sao cho các loại bộ điều khiển đèn đều được thử nghiệm.

Phụ lục D – Mẫu giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 1

Phu_Luc_D_QCVN_19_2024

Ghi chú: Tổ chứng nhận có thể thay đổi cách trình bày Giấy chứng nhận khác với biểu mẫu nêu trên nhưng nội dung Giấy chứng nhận phải thể hiện đầy đủ các nội dung như quy định trong biểu mẫu nêu trên.

Phụ lục E – Dấu hợp quy

E.1 Hình dạng, kích thước và cách thể hiện dấu hợp quy

Hình dạng, kích thước và cách thể hiện của dấu hợp quy (dấu CR) được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCNThông tư số 02/2017/TT-BKHCN.

E.2 Quy định về thông tin thể hiện trên dấu hợp quy

E.2.1 Dấu hợp quy dùng cho chứng nhận theo phương thức 1

Dấu hợp quy và các thông tin thể hiện trên dấu hợp quy như sau:

Dự Thảo Sửa Đổi QCVN 19:2024/BKHCN Lần 1 - phụ lục E

Trong đó:

ABC: Tên tổ chức chứng nhận (ghi tên viết tắt tiếng Việt hay tiếng nước ngoài của tổ chức chứng nhận với font chữ và kích thước thích hợp).

XYZ: Mã số chứng nhận do tổ chức chứng nhận cấp cho Doanh nghiệp yêu cầu, mỗi Doanh nghiệp chỉ được cấp một mã số duy nhất cho tất cả các thiết bị điện được tổ chức chứng nhận ABC chứng nhận.

Việc sửa đổi QCVN 19:2024/BKHCN lần này giúp làm rõ các sản phẩm cần quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đèn LED xác định sản phẩm cần quản lý ngay từ khi lập kế hoạch, thiết kế, sản xuất và bán hàng. Đồng thời, việc bổ sung hướng dẫn chứng nhận sản phẩm sẽ đảm bảo quy trình minh bạch và công bằng, giúp giảm chi phí thử nghiệm và chứng nhận cho doanh nghiệp.

Hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành dự thảo QCVN 19:2024/BKHCN lần 2 với các điều chỉnh, sửa đổi từ góp ý lần 1. Quý doanh nghiệp và tổ chức có thể gửi ý kiến đóng góp trực tiếp tới Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam hoặc gửi về Phúc Gia qua mail [email protected] để được hỗ trợ thu thập ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo.

Vui lòng chờ vài giây để loading Dự Thảo Sửa Đổi QCVN 19:2024/BKHCN

Ấn vào đây để download Dự Thảo Sửa Đổi QCVN 19:2024/BKHCN

Xem thêm các bài viết sau:

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÒNG THỬ NGHIỆM PHÚC GIA
TRUNG TÂM CHỨNG NHẬN PHÚC GIA
TRUNG TÂM THỬ NGHIỆM KIỂM ĐỊNH PHÚC GIA
Địa chỉ: Cảng cạn ICD Long Biên, Số 1 Huỳnh Tấn Phát, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0981 996 996/ 0982 996 696/ 024 7779 6696
E-mail: [email protected]                                 Website: phucgia.com.vn
Thời gian làm việc: Thứ Hai đến Thứ Sáu 8:00 – 18:30; Thứ Bảy 8:00 – 12:00

2024-12-11T09:25:33+07:00
zalo-icon
facebook-icon
linkin-icon
phone-icon