Bảo Đảm An Toàn Thông Tin Mạng Cho Hệ Thống Camera Giám Sát

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm nay “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát” sẽ được ban hành và yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức liên quan phải tuân thủ theo các tiêu chí theo quyết định này trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Ngày 22/05/2024, báo VietNamNet phối hợp cùng với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã tổ chức buổi tọa đàm về “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát” với sự tham gia của các đại diện các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất camera, an toàn thông tin mạng và các phóng viên thuộc Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam. Buổi tọa đàm này các bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin mạng cho hệ thống camera giám sát.

I. HIỆN TRẠNG AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CAMERA 

Việc sử dụng camera giám sát tại Việt Nam đang tăng cao, nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc và bày bán trôi nổi. Đồng thời người tiêu dùng chưa có nhiều nhận thức về vấn đề mối nguy bảo vệ thông tin mạng từ các thiết bị camera giám sát. Tình trạng này gây lo ngại về an ninh thông tin mạng, đặc biệt là khi các thiết bị có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Cần có biện pháp kiểm soát để đảm bảo an toàn thông tin và quyền riêng tư.

1. Hiện trạng sử dụng camera tại Việt Nam

Qua thực tế và các phát biểu của các đại điện tham dự buổi tọa đảm này đều cho thấy rằng xu hướng sử dụng camera trên thế giới cũng như tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Các thiết bị này không chỉ được sử dụng tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, y tế, trường học mà còn là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh nhằm mục đích giám soát an toàn giao thông, an ninh trật tự,…

Theo thống kê tương đối của các doanh nghiệp, chỉ trong năm 2023 quy mô thị trường camera Việt Nam đạt khoảng 175 triệu USD doanh thu – tương đương với 6 triệu camera, từ đó có thể ước tính hiện tại nước ta đang sử dụng đến 15 triệu camera. Ngược với xu thế các nước khác, tỉ lệ sử dụng các thiết bị giám sát tai nhà của Việt Nam khá cao (50%) trong khi toàn cầu chi ở mức 15% (Theo dữ liệu từ Statista). Do đó, thị trường camera giám sát ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn mà chúng ta nên chú trọng phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Võ Đăng Thiên (Phó Tổng biên tập báo Vietnamnet) hầu hết thiết bị này đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo thống kê có khoảng 90% sản phẩm camera giám sát tại Việt Nam nhập khẩu từ nước này theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. Thậm chí, một số dòng camera không có máy chủ đặt tại Việt Nam. Với tình trạng buôn bán trôi nổi hiện này, người tiêu dùng dễ mua phải các dòng máy không đảm bảo và tiềm tàng nhiều mối lo ngại về bảo mật thông tin, khai thác dữ liệu không xin phép,…

An ninh thông tin mạng cho camera

2. Tình trạng an ninh thông tin mạng với các thiết bị camera giám sát

Camera nhìn trông rất đơn giản nhưng đây lại là thiết bị phức tạp khi có hệ điều hành, phần mềm, chức năng ghi âm và hình ảnh, đồng thời có hai giao diện mạng gồm Wi-Fi và mạng LAN. Ngoài ra các sản phẩm này thường hoạt động 24/24, ít được sửa lỗi, gần như không được cập nhật sửa lỗi hay phần mềm diệt virus. Do đó, nếu có lỗ hổng, thiết bị camera có thể trở thành thiết bị gián điệp (đặc biệt là các thiết bị tích hợp AI), âm thầm thu thập và gửi thông tin sang một bên khác. Điều này gây nguy cơ mất an toàn thông tin rất nghiêm trọng nên cần phải kiểm soát kỹ lưỡng hơn.

Quả thật, việc khó kiểm soát hiện nay dẫn nhiều vụ tấn công lớn nhắm vào camera đã xảy ra trên thế giới. Điển hình, năm 2023, hàng trăm nghìn camera Hikvision bị tấn công qua 2 hình thức dò mật khẩu hoặc qua lỗ hổng cũ, mặc dù nhà sản xuất đã đưa ra bản vá lỗi nhưng người dùng vẫn không cập nhật. Vụ việc khác là trường hợp 150.000 camera Verkada sử dụng tại nhiều phòng tập, nhà tù, trường học, bệnh viện,..bị tấn công tại Mỹ năm 2021. Đây là mẫu camera có hình thức xác thực đa yếu tố nhưng hacker vẫn giành được đặc quyền truy cập camera của hãng, vượt qua các lớp xác thực.

Ở Việt Nam, rất may chưa ghi nhận vụ việc lớn nhưng tình trạng báo động nguy cơ mất an toàn thông tin từ camera rất nghiêm trọng, điển hình như:

  • Năm 2014 phát hiện một website quảng cáo có thể xem trực tuyến 730.000 camera khác nhau trên thế giới mà không cần mật khẩu, trong đó có hơn 1.000 camera tại Việt Nam (hiện nay website này vẫn tồn tại và cập nhật liên tục). 
  • Năm 2020, theo một khảo sát của Việt Nam, số camera không được cập nhật mật khẩu lên tới 70% 
  • Năm 2023, một số hacker rao bán quyền truy cập camera tại Việt Nam, có những hệ thống lên tới hơn 100.000 camera. Số tiền bỏ ra để xem cũng khiêm tốn, chỉ khoảng 800.000 đồng để truy cập 15 camera.

Camera bị tấn công để lại hậu quả cho cả người dùng cá nhân lẫn cơ quan, tổ chức như quyền riêng tư bị xâm phạm; bị theo dõi và làm lộ thông tin cá nhân, bí mật doanh nghiệp dẫn đến các hành vi tống tiền, lừa đảo, ăn cắp chất xám,…Qua điều tra việc dẫn đến tình trạng mất an toàn thông tin mạng nói chung và từ các thiết bị camera giám sát xuất phát từ nhiều nguyên nhân từ khâu sản xuất đến cách người tiêu dùng sử dụng.

Nuyen_nhan_gay_mat_an_toan_thong_tin_mang

3. Khuyến cáo sử dụng camera an toàn

Ở nhiều nước khác trên thế giới tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn sử dụng camera có xuất xứ không rõ ràng bởi giá thành rẻ rất cao. Để đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng nhiều nước đã đưa ra điều luật rõ ràng để ngăn chặn vấn đề này. Ví dụ như Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain cho Năm tài chính 2019 kêu gọi cấm “các thiết bị hoặc dịch vụ viễn thông và giám sát video”,  không phải NDAA và phải sử dụng tuân thủ NDAA camera khi sử dụng tại Mỹ (Nguồn “Cybersecurity standards in today’s world” – Spot.ai). Tuy nhiên phần lớn các tiêu chuẩn security cho IP camera hiện nay thường dành cho các thiết bị giám sát trong các hệ thống an ninh, khác với an toàn thông tin cho camera giám sát.

Nhận thức được về nguy cơ mất an toàn thông tin từ camera giám sát, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 724/QĐ-BTTTT bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát vào ngày 07/05/2024. Để đưa ra bộ tiêu chí này Bộ TT&TT đã làm việc cùng các doanh nghiệp sản xuất camera tại Việt Nam và các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng để họp, trao đổi. Vì vậy, bộ tiêu chí này là một sự nỗ lực, cố gắng, kết hợp hài hòa và cầu thị của cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp sản xuất camera, doanh nghiệp an toàn thông tin mạng.

Ông Trần Đăng Khoa (Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin) cho rằng, một thiết bị có nguy cơ hay không có nguy cơ mất an toàn thông tin, nếu người dùng cuối không có kỹ năng thì nguy cơ mất an toàn thông tin vẫn xảy ra bình thường. Vì vậy cần tập trung vào 3 điểm chính: Thứ nhất là kỹ thuật, thứ hai là quản lý và thứ ba là vấn đề nhận thức. Trong đó:

  • Doanh nghiệp sản xuất camera: Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với camera; Hợp tác với các tổ chức có thẩm quyền để tuân thủ quy chuẩn và nâng cao chất lượng sản phẩm; thành lập hiệp hội liên minh để nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và đáp ứng nhu cầu thị trường.
  • Cơ quan, tổ chức quản lý: Có quy định và quy trình đảm bảo an ninh cho hệ thống camera; Đánh giá định kỳ cho hệ thống camera an ninh; Giám sát an ninh mạng cho các thành phần liên quan của hệ thống camera; Cập nhật thường xuyên các bản vá lỗi.
  • Người dùng cuối: Khuyến cáo chọn camera có xuất xứ rõ ràng và công bố nơi lưu trữ video; Thực hiện các biện pháp bảo mật như đổi mật khẩu ngay khi bàn giao, sử dụng mật khẩu mạnh; Chọn vị trí phù hợp để đặt camera; Thường xuyên theo dõi, cập nhật bản vá cho thiết bị.

Tại buổi tọa đàm này các bên đều có những phản hổi tích cực và khẳng định đáp ứng được các tiêu chí về yêu cầu kỹ thuật cho camera giám sát trong bộ tiêu trí trên. Các đại diện doanh nghiệp này đều đánh gia bộ tiêu chí mới là “hồi chuông cảnh tỉnh” về rủi ro mất an toàn thông tin do sử dụng các camera giám sát. Đại diện Viettel Telecom cũng đề xuất việc đẩy nhanh quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho camera và việc thành lập hiệp hội liên minh để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất camera và Bộ TT&TT để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thông tin của camera giám sát trong thời gian tới.

Toa_Dam_Tieu_Chuan_An_Toan_Thong_Tin_Mang_Cho_Camera_Giam_Sat

II. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CAMERA GIÁM SÁT TẠI VIỆT NAM

Như các thông tin đã đề cập ở phần I, có thể nhận định rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho sản phẩm camera giám sát. Bà Vũ Nguyệt Lan, đại diện Công ty cổ phần MK Vision nhận định “về thị trường camera hiện tại ở Việt Nam, khoảng hơn 90% là camera Trung Quốc, do thị trường trong nước còn ít. Nếu có camera logo Việt Nam, người dùng sẽ yên tâm hơn”.

Ông Võ Đăng Thiên nhấn mạnh “việc ban hành các tiêu chuẩn cho camera và chủ động sản xuất camera Make in Việt Nam là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Việt Nam”. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần có bộ quy chuẩn cho các nền tảng quản lý mở này và các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để các doanh nghiệp này có thể tồn tại trong nước, trước khi tính đến chuyện vươn ra biển lớn.

Đối với vấn đề cạnh tranh với thiết bị camera của nước ngoài các đại diện doanh nghiệp nhận định rằng tuy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh do cơ chế cạnh tranh không công bằng và vấn đề giá cả. Các bên tham dự đều thể hiện mong muốn sự hỗ trợ từ chính phủ từ các chính sách và biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an ninh dữ liệu cá nhân thông qua camera. Đồng thời cũng đề xuất cần có sự đoàn kết của các doanh nghiệp trong nước để thành công nhưng cũng nhận định đây là thách thức vì các thành viên có thể là đối thủ trên thị trường.

Hầu hết các đại diện tham dự đều nhất trí rằng bộ tiêu chí kỹ thuật là bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm camera trong nước. Có thể nói bộ tiêu chí mà Bộ TT&TT ban hành là cơ hội để tạo ra sản phẩm camera “Make in Viet Nam” có thể cạnh tranh trên thị trường và nâng cao uy tín của ngành công nghiệp camera Việt Nam. Ngoài ra các bên cũng đề xuất việc hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, nhằm tận dụng thế mạnh của từng đơn vị và giảm chi phí sản xuất. Đồng thời cũng đề nghị việc thành lập hiệp hội, liên minh hoặc câu lạc bộ để cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ kiến thức kỹ thuật và đề xuất các chính sách hỗ trợ từ cấp cao hơn.

thị trường camera hiện tại ở Việt Nam

III. QUYẾT ĐỊNH SỐ 724/QĐ-BTTTT BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ VỀ AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG CƠ BẢN CHO CAMERA GIÁM SÁT

Quyết định số 724/QĐ-BTTTT được Bộ Thông tin và Truyền Thông ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát ngày 07/05/2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nội dung của bộ tiêu chí này đã được Phúc Gia cập nhập tại đây, hiện tại quyết định này mới khuyến nghị áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera.

Theo ông Trần Đăng Khoa (Phó Cục trưởng Phụ trách Cục An toàn thông tin), hiện tại Bộ TT&TT đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát. Dự kiến, quy chuẩn này sẽ được ban hành trong năm 2024. Khi đó, tất cả camera được sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu, bắt buộc phải được kiểm định, đánh giá, chứng nhận hợp quy và đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn quốc gia thì mới đủ điều kiện đưa ra thị trường Việt Nam, để cung cấp tới người dùng.

Xem thêm: Hồ sơ năng lực của Trung tâm Thử nghiệm Kiểm định và Chứng nhận Phúc Gia

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÒNG THỬ NGHIỆM PHÚC GIA
TRUNG TÂM CHỨNG NHẬN PHÚC GIA
TRUNG TÂM THỬ NGHIỆM KIỂM ĐỊNH PHÚC GIA
Địa chỉ: Cảng cạn ICD Long Biên, Số 1 Huỳnh Tấn Phát, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0981.996.996/ 0982.996.696/ 024 7779 6696
E-mail: [email protected]                                Website: phucgia.com.vn

2024-10-28T15:38:16+07:00
zalo-icon
facebook-icon
linkin-icon
phone-icon