Tác Động Của QCVN 135:2024/BTTTT Đến Thị Trường IP Camera

IP Camera (Camera sử dụng giao thức Internet) là thiết bị được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống giám sát an ninh đô thị, doanh nghiệp, nhà máy, gia đình và hạ tầng công cộng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn thông tin ngày càng trở nên cấp bách. Hiện nay, việc xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho IP Camera là điều cần thiết nhằm đảm bảo an toàn thông tin và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hãy cùng Phúc Gia tìm hiểu thêm các thông tin trong bài viết dưới đây.

Xem thêm: Hồ sơ năng lực của Trung tâm Thử nghiệm Kiểm định và Chứng nhận Phúc Gia

1. IP Camera Là Gì?

IP Camera (Internet Protocol Camera) là một loại camera kỹ thuật số có khả năng gửi và nhận dữ liệu qua mạng Internet. Khác với camera analog truyền thống, IP camera không cần đầu ghi hình riêng biệt mà có thể hoạt động độc lập và truyền hình ảnh trực tiếp đến các thiết bị kết nối mạng như điện thoại, máy tính, hoặc máy chủ lưu trữ.

IP Camera hay Camera IP là một hệ thống độc lập, sử dụng hệ thống dây mạng sẵn có để truyền điện (PoE) phục vụ cho hệ thống camera. Thiết bị này sở hữu nhiều ưu điểm vượt bậc, có thể kể đến như:

  • Tiết kiệm tiền dây và công lắp đặt do kết nối camera bằng sóng Wi-Fi;
  • Thu được hình ảnh với độ nét và số megapixel cao (Độ phân giải cao cho hình ảnh HD 720P, 1080P sắc nét);
  • Hỗ trợ âm thanh 2 chiều;
  • Tích hợp công nghệ hồng ngoại quan sát được cả ban ngày lẫn đêm;
  • Dễ lắp đặt, dễ di chuyển, dễ sửa chữa;
  • Một vài loại camera Wi-Fi còn hỗ trợ thẻ nhớ dung lượng 128GB giúp lưu trữ hình ảnh thuận tiện và lâu hơn;
  • Không chỉ có tính năng truy cập từ xa mà còn có khả năng chia sẻ các đoạn video clip qua tin nhắn SMS, email hoặc liên kết trực tiếp.

Một hệ thống IP Camera bao gồm các thành phần sau:

  • IP Camera: Thiết bị ghi hình và gửi dữ liệu hình ảnh qua mạng;
  • Router: Thiết bị chuyển tiếp dữ liệu từ IP camera đến mạng Internet;
  • Switch: Thiết bị kết nối nhiều IP camera trong cùng một hệ thống mạng;
  • Máy chủ lưu trữ/NVR (Network Video Recorder): Thiết bị lưu trữ và quản lý dữ liệu video từ các IP camera;
  • Thiết bị xem (PC, smartphone): Thiết bị nhận và xem dữ liệu hình ảnh từ IP camera.
IP Camera

Hệ thống IP camera

2. Hiện trạng sử dụng IP Camera hiện nay

Theo dự báo đến năm 2025, thế giới sẽ có hơn 75 tỷ thiết bị IoT kết nối Internet, trong đó có 1 tỷ camera giám sát được sử dụng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tại Việt Nam đã có trên 16 triệu thiết bị camera giám sát được nhập khẩu và triển khai, sử dụng trên thị trường trong 5 năm gần đây. Ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 20 triệu camera giám sát được sử dụng, bằng 1/5 dân số cả nước.

Tuy nhiên thiết bị này thường xuyên bị tin tặc nhắm tới và tiềm ẩn nhiều rủi ro bị khai thác, xâm nhập và chiếm quyền điều khiển. Một số vấn đề bảo mật phổ biến liên quan đến IP camera có thể kể đến như tấn công DoS (Denial of Service), tấn công Brute Force, Lỗ hổng phần mềm, Thiết lập bảo mật yếu, Nghe lén và đánh cắp dữ liệu. Hậu quả là thông tin, dữ liệu của người dùng có thể bị thu thập trái phép, sau đó được sử dụng cho các mục đích lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức…

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện hơn 800 nghìn camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng Internet, trong số đó có 360 nghìn camera (chiếm 45%) có nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng dễ bị khai thác tấn công, chiếm quyền điều khiển. Hơn nữa, hàng trăm hội nhóm trên mạng xã hội đang công khai rao bán hình ảnh và video từ camera giám sát với các mức phí từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra phần lớn các hệ thống thông tin sử dụng camera giám sát chưa được triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng theo cấp độ theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016. Khoảng 90% các hệ thống này chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào vận hành khai thác cũng như đánh giá an toàn thông tin mạng định kỳ hàng năm.

An ninh thông tin mạng cho camera

3. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật QCVN 135:2024/BTTTT về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho camera giám sát sử dụng giao thức Internet

Vấn đề an toàn, bảo mật liên quan đến thiết bị camera giám sát đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội, không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Các nước như Anh, Mỹ, Singapore, Phần Lan đều đã ban hành các tiêu chuẩn, tài liệu cụ thể cụ thể đối với thiết bị Camera giám sát cũng như thực hiện các chương trình an toàn thông tin mạng từ nhiều năm trước.

Tại Việt Nam đã xảy ra nhiều trường hợp lộ thông tin cá nhân, dữ liệu hình ảnh camera riêng tư gây bất an cho người sử dụng và làm ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn, an ninh xã hội. Đặc biệt khi Camera giám sát nói chung và IP Cameranói riêng chiếm đa số các hạng mục triển khai và phát triển đô thị thông minh. Hiện này, phần lớn cả các sản phẩm này đều chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cần kiểm soát, đánh giá an toàn thông tin mạng cho các thiết bị này khi nhập khẩu, trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình triển khai, vận hành. Đồng thời thúc đẩy sản xuất sản phẩm camera giám sát “Make in Việt Nam” đảm bảo yêu cầu an toàn thông tin mạng nhằm đáp ứng thị trường trong nước. Vấn đề này cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2022 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát.

Vào ngày 31/12/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 21/2024/TT-BTTTT kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 135:2024/BTTTT về các yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin cơ bản đổi với thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet. Văn bản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2025 với lộ trình áp dụng như sau:

  • Kể từ ngày 15/02/2025, QCVN 135:2024/BTTTT được áp dụng tự nguyện trong thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy.
  • Kể từ ngày 01/01/2026, thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet nhập khẩu và sản xuất trong nước phải tuân thủ (bắt buộc) QCVN 135:2024/BTTTT trước khi lưu thông trên thị trường.

Việc chứng nhận, công bố hợp quy đổi với thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet sẽ được quy định tại Thông tư quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới, hiệu lực sớm nhất từ ngày 01/7/2025).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho camera giám sát sử dụng giao thức Internet được xây dựng và ban hành nhằm mục đích quản lý, tăng cường bảo đảm an toàn cho hệ thống IP Camera, bao gồm:

  • Đảm bảo các biện pháp an ninh như quản lý mật khẩu an toàn, cập nhật phần mềm định kỳ, và bảo vệ giao tiếp dữ liệu để ngăn chặn tấn công từ chối dịch vụ (DoS) và các mối đe dọa bảo mật khác.
  • Thiết lập các quy tắc mã hóa dữ liệu và quản lý quyền truy cập để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, giúp ngăn chặn việc đánh cắp dữ liệu và lạm dụng thông tin cá nhân từ hệ thống camera giám sát qua đó bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư.
  • Đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy: Tạo điều kiện cho các nhà sản xuất và người dùng cuối yên tâm về tính an toàn của sản phẩm. Các quy định về giám sát, kiểm tra định kỳ, và quản lý lỗ hổng bảo mật giúp duy trì độ tin cậy của hệ thống camera giám sát.
  • Đối tượng áp dụng của quy chuẩn là tất cả các loại hình IP Camera được nhập khẩu, sản xuất, phân phối, sử dụng tại Việt Nam.

Xem thêm nội dung chi tiết QCVN 135:2024/BTTTT về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho camera giám sát sử dụng giao thức Internet kèm Thông tư số 21/2024/TT-BTTTT

QCVN 135:2024/BTTTT Về IP Camera

4. Các tác động khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật QCVN 135:2024/BTTTT

4.1. Các cơ hội mới đối với thị trường IP Camera

  • Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, giảm thiểu rủi ro mất thông tin quan trọng. Tăng cảm giác an tâm và tin tưởng khi sử dụng các thiết bị IP Camera đã được chứng nhận an toàn, góp phần tạo ra môi trường sống và làm việc an toàn hơn.
  • Thúc đẩy tiêu chuẩn an toàn trong ngành công nghiệp, nâng cao cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tạo cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất uy tín có sản phẩm được chứng nhận an toàn.
  • Thúc đẩy sản xuất sản phẩm camera giám sát “Make in Việt Nam” đảm bảo yêu cầu an toàn thông tin mạng nhằm đáp ứng thị trường trong nước..
  • Các sản phẩm nhập khẩu phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của QCVN, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng cao sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn.

4.2. Những điểm doanh nghiệp, tổ chức cần chú ý

  • Quá trình đạt được chứng nhận an toàn có thể đòi hỏi đầu tư lớn vào việc nâng cấp và thay đổi công nghệ, làm tăng chi phí sản xuất và phân phối.
  • Việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn có thể đòi hỏi các quy trình và thủ tục phức tạp trong quá trình sản xuất làm phức tạp hóa quy trình và tăng thời gian sản xuất.
  • Các biện pháp an toàn có thể làm giảm hiệu suất sản xuất do tăng thời gian kiểm tra và thử nghiệm, cũng như việc áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn.
  • Tăng thời gian tiến hành kiểm định và cấp phát chứng nhận, làm trì hoãn việc tung ra thị trường và làm chậm quá trình phát triển sản phẩm mới.
  • Các sản phẩm nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo QCVN của Việt Nam, có thể không sử dụng được các chứng nhận quốc tế đã đáp ứng (nếu có), phát sinh chi phí thương mại tại thị trường Việt Nam.

thị trường camera hiện tại ở Việt Nam

IP Camera mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Việc ban hành QCVN 135:2024/BTTTT sẽ giúp chuẩn hóa an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo an ninh mạng. Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm để thích nghi với quy định mới, góp phần phát triển thị trường IP Camera an toàn và bền vững tại Việt Nam.

Xem thêm các bài viết sau:

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN PHÒNG THỬ NGHIỆM PHÚC GIA
TRUNG TÂM CHỨNG NHẬN PHÚC GIA
TRUNG TÂM THỬ NGHIỆM KIỂM ĐỊNH PHÚC GIA
Địa chỉ: Cảng cạn ICD Long Biên, Số 1 Huỳnh Tấn Phát, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0981.996.996/ 0982.996.696/ 024 7779 6696
E-mail: [email protected]                                Website: phucgia.com.vn

2025-01-22T08:36:42+07:00
zalo-icon
facebook-icon
linkin-icon
phone-icon