Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Dự thảo QCVN 25:2024/BKHCN về thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và hệ thống lắp đặt tương tự (13/09/2024). Dự thảo này nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg và Quyết định số 630/QĐ-TTg, nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về công tác phòng cháy và chữa cháy. Trước đó, Bộ cũng đã ban hành các dự thảo tương tự bản 06/10/2023 và 28/12/2023.
Xem thêm: Hồ sơ năng lực của Trung tâm Thử nghiệm Kiểm định và Chứng nhận Phúc Gia
Để hoàn thiện nội dung Dự thảo này Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị có liên quan (trong đó có Công ty Cổ phần Phòng thử nghiệm Phúc Gia – một trong các tổ chức thử nghiệm được phép thực hiện Chứng nhận phù hợp theo các tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn tính năng cho sản phẩm, hàng hóa để phục vụ quảng bá, tiếp thị sản phẩm.
Để hoàn thiện nội dung Dự thảo Quyết định nêu trên đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện, Bộ Khoa học và Công Nghệ đang lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị có liên quan (trong đó có Công ty Cổ phần Phòng thử nghiệm Phúc Gia – một trong các tổ chức thử nghiệm được Bộ Khoa học và Công nghệ Chỉ định được phép thực hiện thử nghiệm phục vụ chứng nhận phù hợp QCVN 9:2012/BKHCN và QCVN 19:2019/BKHCN theo Giấy chứng nhận đăng ký số 3617/TĐC-HCHQ và Quyết định chỉ định số 2117/QĐ-TĐC của Tổng Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ.
Với mục đích chia sẻ rộng rãi và cập nhật những chính sách mới nhất của Chính Phủ, Bộ Ngành… liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu các sản phẩm Điện – Điện tử, chúng tôi kính gửi các Quý cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là các Đối tác/ Khách hàng của Phúc Gia đang thực hiện tuân thủ các quy định của Chính phủ nói chung và Bộ Khoa học và Công Nghệ nói riêng được biết và đóng góp ý để các văn bản dự thảo này được hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi nhất.
QCVN 25:2024/BKHCN
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ THIẾT BỊ ĐIỆN DÙNG CHO LẮP ĐẶT ĐIỆN TRONG GIA ĐÌNH VÀ HỆ THỐNG ĐIỆN TƯƠNG TỰ
National technical regulation on electrical equipment for household electrical installations and similar electrical systems
Lời nói đầu
QCVN 25:2024/BKHCN do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và hệ thống điện tương tự biên soạn, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số …/TT-BKHCN ngày … tháng … năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định các yêu cầu về an toàn và quản lý đối với các thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và hệ thống điện tương tự được quy định trong các Danh mục tại Phụ lục A và Phụ lục B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này (sau đây gọi tắt là Danh mục thiết bị điện).
Phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật này chỉ bao gồm các loại thiết bị điện được thiết kế để lắp đặt trong hệ thống phân phối điện đến 440 V xoay chiều của các công trình dân dụng.
Các loại thiết bị điện sau không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này:
– Các thiết bị điện phòng nổ quy định tại Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương;
– Ổ cắm điện, phích cắm điện, bộ chuyển đổi ổ cắm, bộ dây nguồn nối dài có dòng điện danh định lớn hơn 32 A;
– Công tắc điện có dòng điện danh định lớn hơn 20 A;
– Các loại công tắc điện được thiết kế để lắp đặt trong thiết bị điện;
– Áptômát có dòng điện danh định lớn hơn 63 A;
– Các thiết bị điện không thuộc phạm vi áp dụng của các tiêu chuẩn tương ứng nêu trong Danh mục thiết bị điện.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: Tổ chức, cá nhân thực hiện việc sản xuất, nhập khẩu, bán thiết bị điện.
1.3.2. Tổ chức chứng nhận được chỉ định: Tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
1.3.3. Tổ chức thử nghiệm được chỉ định: Tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
1.3.4. Phương thức đánh giá sự phù hợp: Các phương thức đánh giá sự phù hợp theo quy định của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
1.3.5. Thiết bị điện: Là các thiết bị được liệt kê trong Danh mục thiết bị điện.
1.3.6. Thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và hệ thống điện tương tự: Thiết bị điện được thiết kế để lắp đặt trong hệ thống phân phối điện xoay chiều của các công trình dân dụng như nhà ở, cửa hàng, công trình công cộng.
1.3.7. IEC Test Report Form: Biểu mẫu kết quả thử nghiệm theo tiêu chuẩn IEC được sử dụng trong hệ thống các chương trình đánh giá sự phù hợp đối với thiết bị điện, điện tử của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IECEE CB Scheme).
1.3.8. Kiểu/loại (model/type): Chuổi ký tự được đặt cho sản phẩm để phân biệt giữa các sản phẩm. Các sản phẩm cùng kiểu/loại thì có cùng tên gọi, nhãn hiệu, thiết kế, cấu tạo và tính năng kỹ thuật. Tùy theo quy định của từng nhà sản xuất, đôi khi các sản phẩm có cùng kiểu/loại nhưng có thể khác màu hoặc khác phụ kiện.
1.3.9. Lô hàng: Các sản phẩm có cùng kiểu/loại với số lượng xác định thuộc cùng 1 tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc thuộc cùng 1 lần đăng ký chứng nhận hợp quy đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
1.3.10. Họ sản phẩm: Các sản phẩm khác kiểu/loại nhưng có cùng thiết kế cơ bản. Xác định họ sản phẩm theo hướng dẫn tại Phụ lục D.
1.3.11. Mẫu đại diện lô hàng: Mẫu được lấy ngẫu nhiên từ lô hàng để đại diện cho cả lô hàng.
1.3.12. Mẫu đại diện họ sản phẩm: Mẫu được chọn trong một họ sản phẩm để đại diện cho cả họ sản phẩm. Xác định mẫu đại diện họ sản phẩm theo hướng dẫn tại Phụ lục D
1.3.13. Thử nghiệm mẫu: Thử nghiệm trên mẫu đại diện lô hàng để làm căn cứ đánh giá, chứng nhận lô hàng.
1.3.14. Thử nghiệm điển hình: Thử nghiệm trên mẫu sản phẩm hoặc mẫu đại diện họ sản phẩm nhằm xác định sản phẩm hoặc họ sản phẩm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn kỹ thuật này.
1.3.15. IECEE: Hệ thống các chương trình đánh giá sự phù hợp của IEC dành cho các linh kiện và thiết bị kỹ thuật điện.
1.3.16. IECEE Test Report Form: Biểu mẫu kết quả thử nghiệm theo tiêu chuẩn IEC được soạn thảo bởi Cơ quan chứng nhận quốc gia (NCB) và được phát hành bởi IECEE.
2. QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT
2.1. Yêu cầu về an toàn
Thiết bị điện phải phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng nêu trong Danh mục thiết bị điện.
2.2. Quy định về điều kiện khí hậu
Đối với các yêu cầu thử nghiệm có liên quan đến điều kiện khí hậu thì áp dụng điều kiện khí hậu nhiệt đới.
3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
3.1. Thiết bị điện sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này và được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
3.2. Thiết bị điện nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này và được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
3.3. Công bố hợp quy cho thiết bị điện phải dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định.
3.4. Sử dụng phương thức đánh giá sự phù hợp là phương thức 7 hoặc phương thức 5 để thực hiện chứng nhận hợp quy cho các thiết bị điện quy định tại Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
3.5. Sử dụng phương thức đánh giá sự phù hợp là phương thức 1 để thực hiện chứng nhận hợp quy cho các thiết bị điện quy định tại Phụ lục B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
3.6. Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy
Giấy chứng nhận hợp quy theo Phương thức 7 chỉ có giá trị đối với lô hàng đã được chứng nhận hợp quy.
Giấy chứng nhận hợp quy theo Phương thức 1 hoặc Phương thức 5 có hiệu lực không quá 3 năm kể từ ngày phát hành Giấy chứng nhận.
3.7. Quy định về thử nghiệm
3.7.1. Thử nghiệm phục vụ chứng nhận hợp quy phải được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 3.8 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
3.7.2. Khuyến khích các tổ chức thử nghiệm xây dựng mẫu kết quả thử nghiệm điển hình dựa trên IECEE Test Report Form. Kết quả thử nghiệm điển hình phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau:
– Đầy đủ các nội dung thử nghiệm theo yêu cầu kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này;
– Các ảnh màu chụp bên ngoài, bên trong và nhãn của sản phẩm. Ảnh chụp phải thể hiện được hình dạng, kết cấu, phân bố linh kiện và chi tiết của các linh kiện, bộ phận quan trọng đối với sự an toàn của sản phẩm;
– Danh mục các linh kiện chính thể hiện rõ tên linh kiện, ký mã hiệu, thông số kỹ thuật, dấu chứng nhận in trên linh kiện và số giấy chứng nhận phù hợp đã cấp cho linh kiện này (nếu có);
– Mô tả các chi tiết khác biệt của các kiểu sản phẩm trong họ sản phẩm và phân tích lý do tại sao mẫu được chọn thử nghiệm là mẫu đại diện cho họ sản phẩm nếu thử nghiệm điển hình trên họ sản phẩm.
3.8. Nguyên tắc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp
3.8.1. Tổ chức chứng nhận xem xét và thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp do các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài đã được Việt Nam thừa nhận trong khuôn khổ các hiệp định, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau mà Việt Nam đã ký kết.
3.8.2. Tổ chức chứng nhận có thể ký kết thỏa thuận thừa nhận kết quả thử nghiệm hoặc sử dụng tổ chức thử nghiệm nước ngoài có đủ năng lực thực hiện các yêu cầu kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này nếu tổ chức thử nghiệm đó có đủ năng lực và đáp ứng các quy định tại tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 trong phạm vi thừa nhận.
Việc ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau phải được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.
3.8.3. Tổ chức chứng nhận có thể xem xét sử dụng kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm nước ngoài để phục vụ chứng nhận. Tổ chức thử nghiệm nước ngoài có kết quả thử nghiệm được sử dụng phải được các tổ chức công nhận là thành viên của APAC hoặc ILAC công nhận phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Phạm vi được công nhận của tổ chức thử nghiệm nước ngoài phải bao gồm các tiêu chuẩn và sản phẩm nêu trong kết quả thử nghiệm được sử dụng.
3.8.4. Tổ chức chứng nhận được phép xem xét thừa nhận, sử dụng các kết quả thử nghiệm theo các phiên bản tiêu chuẩn mới hơn so với các phiên bản tiêu chuẩn quy định trong Danh mục thiết bị điện.
3.8.5. Định kỳ mỗi quý, tổ chức chứng nhận phải gửi báo cáo về việc thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp đến Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia để theo dõi và quản lý. Khi cần thiết Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia sẽ tổ chức kiểm tra việc thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp.
3.8.6. Khi thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài, tổ chức chứng nhận phải chịu trách nhiệm về việc thừa nhận, sử dụng này.
4. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
4.1. Trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp
4.1.1. Thực hiện đánh giá sự phù hợp theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo về kết quả hoạt động đánh giá chứng nhận hợp quy đến Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia theo các quy định hiện hành.
4.1.2. Phải lưu trữ hồ sơ đánh giá sự phù hợp ít nhất mười (10) năm kể từ ngày hết hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đối với phương thức 1 và phương thức 5 và từ ngày phát hành của giấy chứng nhận đối với phương thức 7.
4.2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
4.2.1. Cung cấp cho tổ chức chứng nhận các tài liệu kỹ thuật của thiết bị điện để phục vụ cho việc thử nghiệm điển hình và chứng nhận hợp quy khi có yêu cầu.
4.2.2. Cung cấp cho tổ chức chứng nhận các thông tin để thể hiện trên giấy chứng nhận như tên nhà sản xuất, địa chỉ nhà sản xuất và các thông số danh định của sản phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này.
4.2.3. Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị điện thuộc phạm vi quy định tại Điều 1.1.
4.2.4. Đảm bảo các thiết bị điện được sản xuất, nhập khẩu và đưa ra lưu thông trên thị trường phải có kết cấu, linh kiện và chất lượng phù hợp với hồ sơ đã công bố hợp quy.
4.2.5. Thông báo đến tổ chức chứng nhận khi có thay đổi thiết kế trên sản phẩm đã được chứng nhận.
4.2.6. Đảm bảo các thiết bị điện phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (CR) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
4.2.7. Thu hồi các thiết bị điện đã lưu thông trên thị trường và chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật khi phát hiện hàng hóa không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật và gây mất an toàn do lỗi của nhà sản xuất, kinh doanh.
4.2.8. Tổ chức, cá nhân, thực hiện công bố hợp quy, phải lưu trữ hồ sơ công bố hợp quy và hồ sơ kỹ thuật của thiết bị điện đã được công bố hợp quy ít nhất mười (10) năm kể từ ngày sản phẩm xuất xưởng hoặc nhập khẩu.
4.3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước được quy định tại Điều 17 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và khoản 6 Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1. Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
5.2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn được viện dẫn trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này có sự thay đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
5.3. Trường hợp Việt Nam tham gia, ký kết các hiệp định song phương hoặc đa phương thì thực hiện theo các quy định tại các hiệp định đó./.
PHỤ LỤC A
Danh mục các thiết bị điện phải chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 hoặc phương thức
TT | Tên sản phẩm | Mã hàng (HS) | Tiêu chuẩn áp dụng |
1. | Áptômát bảo vệ quá dòng dùng cho điện xoay chiều, dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (MCB) dòng điện danh định không quá 63 A | 85362011 85362012 85362013 85362091 85362099 |
TCVN 6434-1:2018 (IEC 60898-1:2015) |
2. | Áptômát tác động bằng dòng dư, có bảo vệ quá dòng dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (RCBO) dòng điện danh định không quá 63 A | 85365020 | TCVN 6951-1:2007 (IEC 61009-1:2003) |
Ghi chú: Không bao gồm chỉ tiêu thử nghiệm ngắn mạch đối với MCB, RCBO.
PHỤ LỤC B
Danh mục các thiết bị điện phải chứng nhận hợp quy theo phương thức 1
TT | Tên sản phẩm | Mã hàng (HS) | Tiêu chuẩn áp dụng |
1. | Ổ cắm điện dùng trong gia đình có dòng diện danh định không vượt quá 32 A | 85366992 85366999 |
TCVN 6188-1:2007 (IEC 60884-1:2002) TCVN 6188-2-3:2016 (IEC 60884-2-3:2006) TCVN 6188-2-6:2016 (IEC 60884-2-6:1997) |
2. | Phích cắm điện dùng trong gia đình có dòng diện danh định không vượt quá 32 A | 85366992 85366999 |
TCVN 6188-1:2007 (IEC 60884-1:2002) TCVN 6188-2-1:2008 (IEC 60884-2-1:2006) |
3. | Bộ chuyển đổi ổ cắm dùng trong gia đình có dòng diện danh định không vượt quá 32 A | 85366992 85366999 |
TCVN 6188-1:2007 (IEC 60884-1:2002) TCVN 6188-2-5:2016 (IEC 60884-2-5:1995) |
4. | Bộ dây nguồn nối dài dùng trong gia đình có dòng diện danh định không vượt quá 32 A | 85369094 85369099 |
TCVN 6188-1:2007 (IEC 60884-1:2002) TCVN 6188-2-7:2016 (IEC 60884-2-7:2013) |
5. | Công tắc điện dùng trong gia đình có dòng diện danh định không vượt quá 20 A | 85365061 85365069 |
TCVN 6480-1:2008 (IEC 60669-1:2007) |
6. | Áptômát tác động bằng dòng dư, không có bảo vệ quá dòng dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (RCCB) dòng điện danh định không quá 63 A | 85365020 | TCVN 6950-1:2007 (IEC 61008-1:2006) |
Ghi chú: Không bao gồm chỉ tiêu thử nghiệm ở điều kiện ngắn mạch đối với RCCB.
PHỤ LỤC C
HƯỚNG DẪN CHỨNG NHẬN HỢP QUY
C.1. Quy trình chứng nhận hợp quy
Tổ chức chứng nhận phải xây dựng quy trình chứng nhận dựa trên các yêu cầu, hướng dẫn của các văn bản sau:
– Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
– Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN;
– Tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17067:2015 Đánh giá sự phù hợp – Nguyên tắc cơ bản trong chứng nhận sản phẩm và hướng dẫn về chương trình chứng nhận sản phẩm với các chương trình 1a, 1b, 5 tương ứng với các phương thức 1, 7, 5 theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN;
– Tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC TR 17026:2016 Đánh giá sự phù hợp – Ví dụ về chương trình chứng nhận sản phẩm hữu hình;
– Tiêu chuẩn TCVN ISO 19011:2018 Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý.
Quy trình chứng nhận sẽ được Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia kiểm tra, xem xét khi cần thiết.
C2. Hướng dẫn lấy mẫu và thử nghiệm
Ngoại trừ các thử nghiệm được thực hiện bởi nhà sản xuất, thử nghiệm nêu trong các mục bên dưới đây phải được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 3.8 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
C.2.1. Quy định chung về thử nghiệm điển hình và xem xét kết quả thử nghiệm điển hình
Thử nghiệm điển hình được thực hiện trên mẫu sản phẩm hoặc trên mẫu đại diện họ sản phẩm.
Xác định họ sản phẩm và chọn mẫu đại diện họ sản phẩm theo hướng dẫn tại Phụ lục D.
Mẫu dùng cho thử nghiệm thử nghiệm điển hình cần phải:
– Đại diện cho sản phẩm được chứng nhận;
– Được tạo ra từ các chi tiết, bộ phận lắp ráp đã được phê duyệt để sử dụng trong sản xuất;
– Được tạo ra nhờ các công cụ sản xuất và được lắp ráp theo các phương pháp đã được lập cho các sản phẩm được chứng nhận.
Số lượng mẫu thử nghiệm điển hình phải đủ để thử nghiệm đầy đủ các nội dung theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng và lưu 01 mẫu cho mỗi kiểu sản phẩm.
Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng nhận cung cấp được kết quả thử nghiệm điển hình do các tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc được thừa nhận thực hiện thì tổ chức chứng nhận phải tiến hành xem xét, đánh giá nội dung của kết quả thử nghiệm điển hình đã đầy đủ và phù hợp với tiêu chẩn áp dụng. Tổ chức chứng nhận cũng cần phải xem xét, đánh giá sự phù hợp giữa sản phẩm được chứng nhận và thông tin về hình ảnh, kết cấu, linh kiện nêu trong kết quả thử nghiệm điển hình đã được tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng nhận cung cấp.
C.2.2. Thử nghiệm điển hình trong chứng nhận theo phương thức 1
Kết quả thử nghiệm điển hình dùng trong chứng nhận lần đầu phải đầy đủ các nội dung theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng. Ngoại trừ, nội dung thử nghiệm ngắn mạch đối với RCCB.
Trong các lần chứng nhận lại, nếu kết quả xem xét trên mẫu sản phẩm cho thấy sản phẩm không thay đổi về kết cấu, linh kiện thì không cần thực hiện lại thử nghiệm điển hình.
C.2.3. Lấy mẫu và thử nghiệm trong chứng nhận theo phương thức 5
C.2.3.1. Lấy mẫu và thử nghiệm điển hình
Thử nghiệm điển hình cho chứng nhận lần đầu phải bao gồm toàn bộ các nội dung thử nghiệm theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng. Ngoại trừ thử nghiệm ngắn mạch đối với MCB, RCBO.
Trong các lần chứng nhận lại, chỉ cần lấy mẫu đủ để thử nghiệm các nội dung thử nghiệm theo quy định tại bảng C.1 và lưu 01 mẫu cho mỗi kiểu sản phẩm.
Khi kết quả đánh giá quá trình sản xuất cho thấy có thay đổi về linh kiện, vật liệu sử dụng trong sản phẩm hoặc công nghệ và thiết bị sản xuất sản phẩm mà các thay đổi này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm của một hoặc nhiều nội dung quy định trong tiêu chuẩn áp dụng nhưng không được liệt kê trong bảng C.1 thì cũng phải xem xét thử nghiệm các nội dung có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong lần chứng nhận lại.
Mẫu dùng cho thử nghiệm trong chứng nhận lại phải được lấy tại nơi sản xuất.
TT | Tên sản phẩm | Tiêu chuẩn áp dụng | Nội dung thử nghiệm khi chứng nhận lại theo phương thức 5 |
1 | Áptômát bảo vệ quá dòng dùng cho điện xoay chiều, dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (MCB) dòng điện danh định không quá 63 A | TCVN 6434-1:2018 (IEC 60898-1:2015) |
– Độ bền không phai của nhãn – Đặc tính điện môi và khả năng cách ly – Độ tăng nhiệt – Thử nghiệm 28 ngày – Đặc tính cắt – Độ bền cơ và độ bền điện |
2 | Áptômát tác động bằng dòng dư, có bảo vệ quá dòng dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (RCBO) dòng điện danh định không quá 63 A | TCVN 6951-1:2007 (IEC 61009-1:2003) |
– Độ bền ghi nhãn – Đặc tính điện môi – Độ tăng nhiệt – Đặc tính tác động – Độ bền cơ và độ bền điện – Cơ cấu truyền động ưu tiên cắt – Hoạt động của cơ cấu kiểm tra ở các giới hạn của điện áp danh định – Hoạt động của RCBO trong trường hợp sự cố điện áp lưới – Các giá trị giới hạn của dòng không tác động ở điều kiện quá dòng – Khả năng chống các tác động không mong muốn do dòng điện tăng đột ngột – Khả năng cách điện chịu điện áp xung – Hoạt động của RCBO trong trường hợp dòng sự cố chạm đất có thành phần 1 chiều – Độ tin cậy – Lão hóa các linh kiện điện tử |
Bảng C.1 – Chỉ tiêu thử nghiệm trong chứng nhận lại theo phương thức 5
C.2.3.2. Lấy mẫu và thử nghiệm trong đánh giá giám sát
Trong 1 chu kỳ chứng nhận, mỗi kiểu sản phẩm phải được lấy mẫu và thử nghiệm ít nhất 1 lần để đánh giá giám sát.
CHÚ THÍCH: Trong trường hợp đã xác định được họ sản phẩm thì trong 1 chu kỳ chứng nhận, tối thiểu 50% số kiểu sản phẩm trong một họ sản phẩm phải được lấy mẫu và thử nghiệm ít nhất 1 lần để đánh giá giám sát. Trong các chu kỳ liên tiếp nhau nên lựa chọn để có thể lấy mẫu giám sát tất cả các kiểu sản phẩm trong cùng họ sản phẩm.
Mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường.
Các chỉ tiêu thử nghiệm để đánh giá giám sát là các chỉ tiêu thử nghiệm mẫu được quy định tại bảng C.2.
Số lượng mẫu được lấy để thử nghiệm phải đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu thử nghiệm giám sát.
C.2.3.3. Thử nghiệm bởi nhà sản xuất
Trong đánh giá chứng nhận theo phương thức 5, với các sản phẩm mà tiêu chuẩn áp dụng có quy định về thử nghiệm mẫu (Sample test) và thử nghiệm thường xuyên (Routine test) thì nhà sản xuất phải thực hiện các quy định sau:
– Phải có thủ tục quy định về định kỳ lấy mẫu để thử nghiệm các chỉ tiêu thử nghiệm mẫu;
– Phải thử nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu thử nghiệm thường xuyên trên các sản phẩm xuất xưởng.
CHÚ THÍCH: Có thể thay thế phép thử thường xuyên theo quy định của tiêu chuẩn áp dụng bằng một phép thử khác nếu có thể chứng minh phép thử này là tương đương với phép thử thường xuyên theo quy định.
C.2.4. Lấy mẫu và thử nghiệm trong chứng nhận theo phương thức 7
Chỉ kết luận lô hàng phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn kỹ thuật này khi:
– Kết quả thử nghiệm điển hình của sản phẩm phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn áp dụng;
CHÚ THÍCH: Kết quả thử nghiệm điển hình có thể là kết quả thử nghiệm trên mẫu lấy từ lô hàng hoặc là kết quả thử nghiệm điển hình đã được thực hiện trước khi lô hàng sản xuất hoặc nhập khẩu. Thử nghiệm điển hình và xem xét chấp nhận kết quả thử nghiệm điển hình theo quy định tại mục C.2.1.
– Kết quả thử nghiệm mẫu trên các mẫu đại diện lô hàng phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn áp dụng.
Số lượng mẫu đại diện lô hàng và các chỉ tiêu thử nghiệm mẫu được quy định trong bảng C.2
TT | Tên sản phẩm | Tiêu chuẩn áp dụng | Số mẫu đại diện lô hàng (a) |
Chỉ tiêu thử nghiệm mẫu/giám sát |
1 | Áptômát bảo vệ quá dòng dùng cho điện xoay chiều, dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (MCB) dòng điện danh định không quá 63 A | TCVN 6434-1:2018 (IEC 60898-1:2015) |
Mỗi 2000 sản phẩm lấy 03 mẫu | – Đặc tính điện môi và khả năng cách ly – Đặc tính cắt |
2 | Áptômát tác động bằng dòng dư, có bảo vệ quá dòng dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (RCBO) dòng điện danh định không quá 63 A | TCVN 6951-1:2007 (IEC 61009-1:2003) |
Mỗi 2000 sản phẩm lấy 03 mẫu | – Đặc tính điện môi – Đặc tính tác động – Độ tin cậy |
CHÚ THÍCH: Đối với các lô hàng có số lượng lớn hơn 2000 sản phẩm thì chia lô hàng thành các lô nhỏ có số lượng mỗi lô là 2000 sản phẩm hoặc nhỏ hơn để lấy mẫu.
Bảng C.2 – Số lượng mẫu đại diện lô hàng và chỉ tiêu thử nghiệm mẫu
Trường hợp kết quả thử nghiệm điển hình trên mẫu lấy từ lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng thì tổ chức chứng nhận có thể lấy bổ sung mẫu và thử nghiệm lại để loại trừ trường hợp ngẫu nhiên mẫu có chất lượng kém được chọn làm mẫu thử nghiệm điển hình.
Trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu đại diện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng thì cho phép lấy lại mẫu lần 2 với số lượng mẫu gấp đôi số lượng mẫu lấy lần 1. Lô hàng chỉ được đánh giá là phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn khi kết quả thử nghiệm mẫu trên tất cả các mẫu được lấy lần 2 đều phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng.
C3. Hồ sơ chứng nhận
Tổ chức chứng nhận phải thiết lập hồ sơ chứng nhận để chứng minh đã thực hiện quá trình chứng nhận sản phẩm đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và TCVN ISO/IEC TR 17026:2016.
Tổ chức chứng nhận phải lưu trữ hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm được chứng nhận, bao gồm các nội dung sau:
– Tài liệu kỹ thuật bao gồm bản mô tả đặc tính kỹ thuật của sản phẩm; sơ đồ mạch điện; danh mục các linh kiện, bộ phận chính; hướng dẫn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt sản phẩm;
– Các ảnh màu chụp bên ngoài, bên trong và nhãn của sản phẩm. Ảnh chụp phải thể hiện được hình dạng, kết cấu, phân bố linh kiện và chi tiết của các linh kiện, bộ phận quan trọng đối với sự an toàn của sản phẩm;
– Danh mục các linh kiện chính thể hiện rõ tên linh kiện, ký mã hiệu, thông số kỹ thuật, dấu chứng nhận in trên linh kiện và số giấy chứng nhận phù hợp đã cấp cho linh kiện này (nếu có);
– Bảng mô tả chi tiết khác biệt của các kiểu sản phẩm trong họ sản phẩm và phân tích lý do tại sao mẫu được chọn thử nghiệm điển hình là mẫu đại diện cho họ sản phẩm nếu có đánh giá trên họ sản phẩm;
– Kết quả thử nghiệm điển hình của sản phẩm hoặc họ sản phẩm;
– Đối với đánh giá chứng nhận theo phương thức 7, hồ sơ kỹ thuật cần phải có thêm các kết quả thử nghiệm trên mẫu đại diện lô hàng và kết quả đánh giá sự phù hợp của mẫu lấy từ lô hàng với mẫu được thử nghiệm điển hình
– Đối với đánh giá chứng nhận theo phương thức 5, hồ sơ kỹ thuật cần phải có thêm các kết quả thử nghiệm trong giám sát, chứng nhận lại;
– Nếu có thừa nhận, sử dụng các kết quả thử nghiệm đã có trước khi đánh giá chứng nhận thì hồ sơ kỹ thuật phải có kết quả đánh giá sự phù hợp của mẫu sản phẩm được chứng nhận với mô tả đặc tính kỹ thuật sản phẩm, hình ảnh, kết cấu và danh mục linh kiện chính thể hiện trong kết quả thử nghiệm điển hình được thừa nhận, sử dụng.
C4. Giám sát sau chứng nhận
Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận theo phương thức 5, tổ chức chứng nhận phải tiến hành đánh giá giám sát định kỳ với tần suất không quá 12 tháng/1 lần hoặc đánh giá giám sát đột xuất khi có khiếu nại hoặc khi phát hiện hàng hóa trên thị trường có vấn đề về chất lượng.
Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận theo phương thức 1, khi có khiếu nại hoặc khi phát hiện hàng hóa trên thị trường có vấn đề về chất lượng, tổ chức chứng nhận phải tiến hành đánh giá giám sát đột xuất bằng cách lấy mẫu tại kho của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc lấy mẫu trên thị trường và tiến hành thử nghiệm lại trên các mẫu này để có kết luận về vấn đề chất lượng của sản phẩm đã được chứng nhận.
C5. Đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận
Trong trường hợp có bằng chứng về sự không phù hợp của sản phẩm thông qua đánh giá giám sát định kỳ, đột xuất hoặc tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng nhận hợp quy không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2, Điều 49 của Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tùy theo mức độ vi phạm, tổ chức chứng nhận thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp như đình chỉ giấy chứng nhận với thời gian đình chỉ không quá 3 tháng hoặc hủy bỏ hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận.
Khi bị đình chỉ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải dừng đưa ra thị trường các sản phẩm đã bị đình chỉ, phải có biện pháp xử lý thích hợp đối với các sản phẩm không phù hợp đã lưu thông trên thị trường và khắc phục các nội dung vi phạm. Nếu quá thời gian đình chỉ mà tổ chức, cá nhân vi phạm không hoàn tất việc khắc phục các nội dung vi phạm thì tổ chức chứng nhận xem xét thực hiện biện pháp hủy bỏ hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận.
Khi bị hủy bỏ hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận, tổ chức, cá nhân vi phạm phải dừng đưa ra thị trường sản phẩm đã bị thu hồi Giấy chứng nhận và phải có biện pháp xử lý thích hợp đối với toàn bộ các sản phẩm không phù hợp đã lưu thông trên thị trường.
C6. Xử lý đối với lô hàng không phù hợp quy chuẩn
Trường hợp kết quả thử nghiệm, đánh giá cho thấy sản phẩm, lô hàng nhập khẩu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng nhận không thể khắc phục các điểm không phù hợp này thì tổ chức chứng nhận phát hành thông báo không phù hợp gửi đến tổ chức, cá nhân đã yêu cầu chứng nhận, đồng thời gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước liên quan để phối hợp giám sát, xử lý và báo cáo với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia theo quy định.
Trường hợp kết quả thử nghiệm theo các phiên bản tiêu chuẩn nêu trong Danh mục thiết bị điện không phù hợp nhưng lại phù hợp khi thử nghiệm theo các phiên bản tiêu chuẩn mới hơn thì kết quả thử nghiệm theo các phiên bản tiêu chuẩn mới hơn được chấp nhận làm căn cứ để chứng nhận hợp quy.
PHỤ LỤC D
HƯỚNG DẪN VỀ HỌ SẢN PHẨM VÀ CHỌN MẪU ĐẠI DIỆN HỌ SẢN PHẨM
D1. Tài liệu tham khảo
Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên hướng dẫn OD-2041 Ed 2.0 – Guide on Product Families, Family Ranges or Series of Products của IECEE.
D2. Định nghĩa về họ sản phẩm
Để giảm chi phí và thời gian thử nghiệm, các kiểu sản phẩm có cùng đặt trưng được đưa vào cùng một họ sản phẩm và chỉ thử nghiệm điển hình trên 1 kiểu hoặc vài kiểu sản phẩm để đại diện cho cả họ sản phẩm.
Định nghĩa về họ sản phẩm như sau:
Tất cả các kiểu sản phẩm trong cùng một họ sản phẩm thì có cùng thiết kế, cấu trúc, linh kiện hoặc các bộ phận thiết yếu nhằm đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn.
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến an toàn của sản phẩm trên các kiểu sản phẩm trong cùng họ sản phẩm là như nhau.
Tùy theo loại sản phẩm mà các kiểu sản phẩm trong cùng một họ sản phẩm có thể có một số khác biệt như kích thước, màu sắc, hình dạng bên ngoài và cũng có thể có khác biệt về thông số điện như dòng điện danh định, dòng điện tác động… nhưng bản chất của sự khác biệt này không làm khác đi sự ảnh hưởng đến an toàn của 1 kiểu sản phẩm so với các kiểu sản phẩm khác trong cùng họ sản phẩm.
Nếu tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm đã có hướng dẫn xác định họ sản phẩm thì xác định họ sản phẩm theo hướng dẫn của tiêu chuẩn áp dụng.
Với các thiết bị dùng cho lắp đặt điện, thông thường nhà sản xuất cũng đã phân loại các kiểu sản phẩm theo họ sản phẩm. Các gợi ý sau được tham khảo để xác định họ sản phẩm.
D.2.1. Công tắc điện
– Có cùng dòng điện danh định, cấu trúc tiếp điểm, đế của tiếp điểm và bộ truyền động.
D.2.2. Ổ cắm, phích cắm
– Có cùng dòng điện danh định, cấu trúc bộ phận tiếp xúc điện, đế của bộ phận tiếp xúc điện.
D.2.3. Bộ chuyển đổi ổ cắm, bộ dây nguồn nối dài
– Tham khảo D.2.2;
– Có cùng chủng loại và tiết diện dây nối.
D.2.4. MCB, RCBO, RCCB
– MCB theo Phụ lục C – TCVN 6434-1:2018
– RCBO theo Phụ lục A – TCVN 6951-1:2007
– RCCB theo Phụ lục A – TCVN 6950-1:2007
D.3. Chọn mẫu đại diện họ sản phẩm
Kiểu sản phẩm hoặc nhóm các kiểu sản phẩm được chọn đại diện cho họ sản phẩm phải là các kiểu sản phẩm có khả năng không phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn cao nhất.
Một số ví dụ về chọn mẫu đại diện:
TT | Sản phẩm | Chọn mẫu đại diện họ sản phẩm |
5 | Ổ cắm, phích cắm, bộ chuyển đổi ổ cắm, bộ dây nguồn nối dài | Kiểu có cấu hình tối đa. Ưu tiên chọn các kiểu thông dụng, số lượng sản xuất nhiều hơn các loại khác |
6 | MCB, RCBO, RCCB | Theo hướng dẫn của tiêu chuẩn áp dụng |
PHỤ LỤC E
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP QUY
THEO PHƯƠNG THỨC 1 HOẶC PHƯƠNG THỨC 5
Ghi chú: Tổ chứng chứng nhận có thể thay đổi cách trình bày Giấy chứng nhận khác với biểu mẫu nêu trên nhưng nội dung Giấy chứng nhận phải thể hiện đầy đủ các nội dung như quy định trong biểu mẫu nêu trên.
PHỤ LỤC F
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP QUY
THEO PHƯƠNG THỨC 7
Ghi chú: Tổ chứng chứng nhận có thể thay đổi cách trình bày Giấy chứng nhận khác với biểu mẫu nêu trên nhưng nội dung Giấy chứng nhận phải thể hiện đầy đủ các nội dung như quy định trong biểu mẫu nêu trên.
PHỤ LỤC G
DẤU HỢP QUY
G1. Hình dạng, kích thước và cách thể hiện dấu hợp quy
Hình dạng, kích thước và cách thể hiện của dấu hợp quy (dấu CR) được quy định tại Thông tư số28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN.
G2. Quy định về thông tin thể hiện trên dấu hợp quy
G.2.1. Dấu hợp quy dùng cho chứng nhận theo phương thức 1 hoặc phương thức 5
Dấu hợp quy và các thông tin thể hiện trên dấu hợp quy như sau
Trong đó:
ABC: Tên tổ chức chứng nhận (ghi tên viết tắt tiếng Việt hay tiếng nước ngoài của tổ chức chứng nhận với font chữ và kích thước thích hợp).
XYZ: Mã số chứng nhận do tổ chức chứng nhận cấp cho Doanh nghiệp/cá nhân được cấp giấy chứng nhận.
G.2.2. Dấu hợp quy dùng cho chứng nhận theo phương thức 7
Dấu hợp quy và các thông tin thể hiện trên dấu hợp quy như sau
Trong đó:
ABC: Tên tổ chức chứng nhận (ghi tên viết tắt tiếng Việt hay tiếng nước ngoài của tổ chức chứng nhận với font chữ và kích thước thích hợp).
Vui lòng chờ vài giây để loading Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 25:2024/BKHCN về thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và hệ thống lắp đặt tương tự
Xem thêm các bài viết sau:
- Trung Tâm Thử Nghiệm Kiểm Định Phúc Gia Đạt Chuẩn ISO/IEC 17025:2017 – VILAS 1212
- Trung Tâm Thử Nghiệm Kiểm Định Phúc Gia Đạt Chuẩn ISO/IEC 17025:2017 – VALAS 009
- Trung Tâm Thử Nghiệm Kiểm Định Phúc Gia Đạt Chuẩn ISO/IEC 17025:2017 – VLAT-1.0388 – Năm 2024
- Dự Thảo TCVN Về Phích Cắm, Phích Nối Dùng Cho Xe Điện Và Ổ Nối Vào Xe Điện – Sạc Điện Có Dây Dùng Cho Xe Điện
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN PHÒNG THỬ NGHIỆM PHÚC GIA
TRUNG TÂM CHỨNG NHẬN PHÚC GIA
TRUNG TÂM THỬ NGHIỆM KIỂM ĐỊNH PHÚC GIA
Địa chỉ: Cảng cạn ICD Long Biên, Số 1 Huỳnh Tấn Phát, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0981 996 996/ 0982 996 696/ 024 7779 6696
E-mail: [email protected] Website: phucgia.com.vn
Thời gian làm việc: Thứ Hai đến Thứ Sáu 8:00 – 18:30; Thứ Bảy 8:00 – 12:00