Dự Thảo Tiêu Chuẩn Về Phương Pháp Đo Tính Năng Quạt Làm Mát
Và Bộ Điều Chỉnh Dùng Trong Gia Đình Và Các Mục Đích Tương Tự

Dự thảo TCVN xxxx:2024 (IEC 60879:2019), Quạt làm mát và bộ điều chỉnh dùng trong gia đình và các mục đích tương tự – Phương pháp đo tính năng đã được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030. Tiêu chuẩn này khi được ban hành chính thức sẽ góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 về việc giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng.

Xem thêm: Hồ sơ năng lực của Trung tâm Thử nghiệm Kiểm định và Chứng nhận Phúc Gia

Dự thảo về phương pháp đo tính năng quạt làm mát và bộ điều chỉnh dùng trong gia đình và các mục đích tương tự hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn IEC 60879:2019, Comfort fans and regulators for household and similar purposes – Methods for measuring performance. Tiêu chuẩn này dự kiến sẽ được viện dẫn trong tiêu chuẩn TCVN 7826:2024 để xác định hiệu suất năng lượng của quạt điện.

Để hoàn thiện nội dung Dự thảo Quyết định nêu trên đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị có liên quan (trong đó có Công ty Cổ phần Phòng thử nghiệm Phúc Gia – một trong các tổ chức thử nghiệm được Bộ Công Thương Chỉ định cho các phép thử hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm hàng hóa được quy định tại Quyết định 04/2017/QĐ-TTg, Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg).

Với mục đích chia sẻ rộng rãi và cập nhật những chính sách mới nhất của Chính Phủ, Bộ Ngành… liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu các sản phẩm Điện – Điện tử, chúng tôi kính gửi các Quý cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là các Đối tác/ Khách hàng của Phúc Gia đang thực hiện tuân thủ các quy định của Chính phủ nói chung và Bộ Công Thương nói riêng được biết và đóng góp ý để các văn bản dự thảo này được hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi nhất.

Xem thêm: Bộ Công Thương Chỉ định Phúc Gia thử nghiệm Hiệu Suất Năng Lượng

Các ý kiến của Đối tác/ Khách hàng của Phúc Gia vui lòng gửi về Phúc Gia qua email [email protected] để chúng tôi tổng hợp và chuyển đến Bộ Công Thương, hoặc Quý tổ chức/ cơ quan có thể gửi trực tiếp đến Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững của Bộ trước ngày 18/11/2024.

Dưới đây là nội dung chi tiết Dự thảo TCVN xxxx:2024 (IEC 60879:2019), Quạt làm mát và bộ điều chỉnh dùng trong gia đình và các mục đích tương tự – Phương pháp đo tính năng.

TCVN xxxx:2024 (IEC 60879:2019)

QUẠT LÀM MÁT VÀ BỘ ĐIỀU CHỈNH DÙNG TRONG GIA ĐÌNH VÀ CÁC MỤC ĐÍCH TƯƠNG TỰ – PHƯƠNG PHÁP ĐO TÍNH NĂNG

Comfort fans and regulators for household and similar purposes – Methods for measuring performance

Lời nói đầu

TCVN xxxx:2024 hoàn toàn tương đương với IEC 60879:2019;

TCVN xxxx:2024 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E1 Máy điện và khí cụ điện biên soạn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đề nghị, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các phương pháp đo tính năng của quạt làm mát và bộ điều chỉnh dùng trong gia đình và các mục đích tương tự, bao gồm quạt thông thường, quạt tháp và quạt không cánh, điện áp danh định của chúng không lớn hơn 250 V đối với quạt một pha và 480 V đối với các loại quạt khác, và công suất đầu vào danh định của chúng không lớn hơn 125 W.

CHÚ THÍCH 1: Theo phương pháp thử nghiệm, quạt làm mát được phân thành hai nhóm:

– Quạt đứng, quạt bàn, quạt treo tường, quạt đảo gió, quạt tháp, quạt không cánh;

– Quạt trần.

Bất cứ khi nào có thể, thuật ngữ “quạt” được sử dụng trong tiêu chuẩn này đều bao gồm cả bộ điều chỉnh liên quan, nếu có.

CHÚ THÍCH 2: Tiêu chuẩn này không áp dụng cho

– An toàn của quạt điện dùng trong gia đình và các mục đích tương tự (IEC 60335-2-80);

– Tính năng của quạt thông gió (IEC 60665);

– Khả năng tương thích điện từ của quạt (CISPR 14-1 và CISPR 14-2, IEC 61000-3-2, IEC 61000-3-3).

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 10152 (IEC 62301), Thiết bị điện gia dụng – Đo công suất ở chế độ chờ

IEC 60704-2-7, Household and similar electrical appliances – Test code for the determination of airborne acoustical noise – Part 2-7: Particular requirements for fans (Thiết bị điện gia dụng và các thiết bị điện tương tự – Mã thử nghiệm để xác định tiếng ồn âm thanh trong không khí – Phần 2-7: Yêu cầu cụ thể đối với quạt)

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.

3.1 Quạt làm mát (comfort fan)

Quạt được thiết kế chủ yếu để tạo ra chuyển động không khí xung quanh hoặc trên một phần cơ thể con người nhằm làm mát tạo sự thoải mái cho người, bao gồm cả các quạt có thể thực hiện các chức năng bổ sung như chiếu sáng.

CHÚ THÍCH: Quạt làm mát sau đây được gọi là “quạt”.

3.2 Quạt thông thường (conventional fan)

Quạt làm mát có một bộ cánh quạt có từ hai cánh trở lên, có đầu vào và đầu ra không khí tự do.

3.3 Quạt tháp (tower fan)

Quạt làm mát để sử dụng trên sàn có thiết kế kéo dài theo chiều dọc thuộc loại dòng thổi ngang, loại tiếp tuyến, loại ly tâm hoặc loại cánh quạt có đầu vào và đầu ra không khí tự do.

3.4 Quạt không cánh (bladeless fan)

Quạt làm mát loại bất kỳ không có bộ cánh quạt.

3.5 Quạt trần (ceiling fan)

Quạt thông thường có thiết bị treo từ trần nhà sao cho các cánh quay trong mặt phẳng nằm ngang với đường kính cánh không lớn hơn 1800 mm.

3.6 Quạt bàn (table fan)

Quạt làm mát được sử dụng trên bàn.

CHÚ THÍCH 1: Quạt bàn có thể hoặc không thể điều chỉnh chiều cao và có chiều cao lớn nhất nhỏ hơn 1 200 mm.

3.7 Quạt đứng (pedestal fan)

Quạt làm mát được lắp giá đỡ có chiều cao cố định hoặc thay đổi được.

CHÚ THÍCH 1: Quạt đứng có thể hoặc không thể điều chỉnh chiều cao và có chiều cao nhỏ nhất lớn hơn hoặc bằng 1200 mm.

3.8 Quạt treo tường (wall bracket fan)

Quạt làm mát được lắp trên tường.

3.9 Quạt treo trần (ceiling bracket fan)

Quạt làm mát được lắp trên trần.

3.10 Quạt đảo gió (louvre fan)

Quạt làm mát có cánh đảo gió chuyển động tạo sự thay đổi liên tục luồng không khí theo nhiều hướng.

3.11 Lưu lượng gió danh định (rated fan flow rate)

Lưu lượng gió được nhà chế tạo ấn định cho quạt.

CHÚ THÍCH 1: Lưu lượng gió được biểu thị bằng m3/min.

3.12 Giá trị sử dụng (service value)

Tỷ số giữa lưu lượng gió lớn nhất tính được (m3/min) và công suất vào đo được của quạt (W).

CHÚ THÍCH 1: Giá trị sử dụng còn gọi là hệ số tính năng (COP).

3.13 Công suất vào (fan power input)

Công suất vào của quạt hoạt động ở lưu lượng gió lớn nhất được đo với cơ cấu chuyển hướng và cánh đảo gió, nếu có, không hoạt động.

CHÚ THÍCH 1: Không tính đến công suất vào cho các chức năng khác, ví dụ chiếu sáng.

3.14 Điện áp danh định (rated voltage)

Điện áp do nhà chế tạo ấn định cho quạt.

3.15 Tần số danh định (rated frequency)

Tần số do nhà chế tạo ấn định cho quạt.

3.16 Lưu lượng gió lớn nhất (maximum fan flow rate)

Lưu lượng gió của quạt làm mát ở giá trị đặt lớn nhất (m3/min), được đo ở đầu ra không khí của quạt, với các cơ cấu chuyển hướng và cánh đảo gió, nếu có, không hoạt động.

3.17 Cơ cấu chuyển hướng (oscillating mechanism)

Khả năng quạt làm mát tự động đổi hướng của luồng không khí trong khi quạt đang hoạt động.

3.18 Mức công suất âm thanh của quạt (fan sound power level)

Mức công suất âm thanh trọng số A của quạt làm mát trong khi cung cấp lưu lượng gió lớn nhất, được đo ở phía đầu ra.

3.19 Cánh đảo gió (moving louvre)

Lưới được bố trí ở cửa thoát khí của quạt đảo gió, được sử dụng để điều khiển hướng của luồng không khí bằng cách quay hoặc định vị nó.

3.20 Đường kính cánh tương đương của quạt không cánh (equivalent sweep size diameter of bladeless fan)

Giá trị có được bằng cách lấy chu vi đầu ra không khí của quạt không cánh chia cho 3,14.

CHÚ THÍCH 1: Chu vi có được bằng cách đo chiều dài đoạn dây quấn dọc theo vỏ bọc hoàn chỉnh của đầu ra không khí của quạt.

4. Cung cấp thông tin

Nhà chế tạo phải cung cấp các thông tin sau trong hướng dẫn:

a) lưu lượng gió danh định của quạt, tính bằng m3/min (làm tròn đến một chữ số sau dấu phẩy);

b) giá trị sử dụng, tính bằng (m3/min)/W (làm tròn đến một chữ số sau dấu phẩy);

c) công suất chờ, tính bằng W (làm tròn đến một chữ số sau dấu phẩy);

d) mức công suất âm thanh, tính bằng dB(A).

5. Thử nghiệm

5.1 Điều kiện thử nghiệm chung

Nếu không có quy định khác, quy trình thử nghiệm và các phép đo được thực hiện trong các điều kiện
sau:

– Nhiệt độ: 20 oC ± 5 oC, trong trường hợp có nghi ngờ nhiệt độ phải là 23 oC ± 2 oC;

– Độ ẩm tương đối: 50 % ± 30 %;

– Áp suất không khí: 86 kPa đến 106 kPa.

CHÚ THÍCH: Các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm trong dải quy định là cần thiết để có độ lặp lại và độ tái lập tốt.

Cần thận trọng để tránh thay đổi nhiệt độ và độ ẩm tương đối trong quá trình thử nghiệm.

Thiết bị đo sử dụng cho các thử nghiệm phải được lưu giữ ít nhất 16 h ở điều kiện khí quyển quy định trong 5.1.1 trước khi thử nghiệm.

Các thử nghiệm phải được tiến hành ở điện áp danh định. Các quạt được thiết kế chỉ dành cho điện một chiều phải được hoạt động ở điện một chiều. Quạt được thiết kế cho cả điện xoay chiều và một chiều phải cho hoạt động ở điện xoay chiều. Quạt không được ghi nhãn tần số danh định phải hoạt động ở tần số 50 Hz ± 1 Hz hoặc 60 Hz ± 1 Hz như thông lệ ở quốc gia sử dụng và có độ méo hài tổng ≤ 5 %.

Nếu không có quy định khác, các thử nghiệm được tiến hành ở điện áp thử nghiệm cụ thể trong dải điện áp (ví dụ 100 V đến 240 V) hoặc ở điện áp danh định hoặc các điện áp danh định (ví dụ 120 V hoặc 120 V và 240 V).

Độ ổn định điện áp phải là ± 1 %.

Trước khi bắt đầu các thử nghiệm trên một quạt mới, quạt phải chạy ở giá trị cài đặt lưu lượng lớn nhất với luồng không khí không bị giới hạn và với các cơ cấu chuyển hướng và cánh đảo gió, nếu có, được cho hoạt động trong tối thiểu 1 h để đảm bảo chạy rà đủ. Bất kỳ chức năng nào khác như chiếu sáng, lọc không khí, tạo độ ẩm, sưởi, nếu có, phải được bật.

Trước khi bắt đầu thử nghiệm, quạt và các phụ tùng kèm theo của nó được điều chỉnh theo hướng dẫn của nhà chế tạo để hoạt động bình thường. Mọi cơ cấu điều khiển phải được đặt ở mức lưu lượng không khí liên tục lớn nhất nếu hướng dẫn của nhà chế tạo không quy định khác. Tắt các chức năng khác như chiếu sáng, lọc không khí, tạo ẩm, sưởi, nếu có.

Trước khi bắt đầu mỗi thử nghiệm, quạt phải được ổn định trong 30 min theo các điều khoản cho trong 5.1.4 nhưng với cơ cấu chuyển hướng và cánh đảo gió, nếu có, không hoạt động.

5.2 Thử nghiệm tính năng

5.2.1.1 Buồng thử

Quạt phải được thử nghiệm trong buồng thử nghiệm có các kích thước sau: chiều dài 4500 mm, chiều rộng 4500 mm, chiều cao 3000 mm (xem Hình 1 và Hình 2).

Các kích thước trên phải có dung sai ± 15 mm.

Nóc buồng đo phải được che kín ngoại trừ một lỗ hở hình tròn ở chính giữa có đường kính từ 1,1 đến 1,2 lần đường kính cánh. Tấm che có chứa lỗ hở này có chiều dày không quá 6 mm.

Các số đọc phải được lấy từ vị trí giữa buồng thử và màn chắn bên ngoài, và cho phép bố trí một giá nhỏ để đựng các dụng cụ đo điện trong không gian này. Ngoại trừ những điều này, không gian giữa buồng thử và màn chắn bên ngoài cũng như không gian bên trong buồng thử không được có vật dụng nào, và thiết bị điều hòa bất kỳ (kể cả gia nhiệt hoặc làm mát) không được ảnh hưởng đến chuyển động
của không khí trong phòng khi thử nghiệm đang diễn ra.

Phòng chứa buồng thử và màn chắn bên ngoài phải được bảo vệ thích hợp để không có luồng gió từ bên ngoài thổi vào. Trần bất kỳ bên ngoài buồng thử hoặc xà rầm nhô ra bất kỳ nào có thể ảnh hưởng đến luồng không khí phải nằm cách nóc buồng đo lớn hơn hoặc bằng 1000 m, và cách sàn lớn hơn hoặc bằng 4000 m.

Khoảng cách giữa các vách của buồng thử và vách của màn chắn bên ngoài phải từ 1000 mm đến 1250 mm.

Quạt phải được lắp ở độ cao sao cho mặt phẳng cánh quạt cách mặt sàn 3 000 mm ± 10 mm và nằm trong mặt phẳng tạo bởi các mép trên cùng của tấm che chứa lỗ hở trên nóc của buồng thử.

5.2.1.2 Thiết bị đo

Chuyển động không khí phải được đo bằng phong tốc kế có đường kính trong không quá 100 mm.

5.2.1.3 Bố trí thiết bị

Mặt phẳng cánh quạt nằm trong mặt phẳng tạo bởi các mép trên cùng của tấm che chứa lỗ hở trên nóc của buồng thử.

Tấm phẳng được lắp phía trên quạt trần, có kích thước trong khoảng từ 1,1 đến 1,2 lần đường kính cánh. Khoảng cách giữa tấm phẳng và mặt phẳng của cánh quạt được xác định bằng khoảng cách giữa mặt phẳng của cánh quạt và trần sau khi quạt trần được lắp theo hướng dẫn sử dụng.

Mặt phẳng của phong tốc kế song song với mặt phẳng của cánh quạt. Phong tốc kế phải được di chuyển theo một trong hai hướng dọc theo cả hai đường chéo của buồng thử trong mặt phẳng thử nghiệm cách 1500 mm ± 10 mm bên dưới mặt phẳng của cánh quạt. Phong tốc kế phải được đỡ theo cách sao cho càng ít ảnh hưởng đến luồng không khí càng tốt.

5.2.1.4 Quy trình thử

Phép đo được thực hiện với quạt được điều chỉnh ở nấc tốc độ lớn nhất và ở điện áp thử nghiệm.

Các phép đo vận tốc không khí theo từng hướng trong bốn hướng phải bắt đầu tại điểm cách trục của cánh quạt 40 mm và tiến dần theo chiều ngang từ trục cánh quạt theo từng bước 80 mm dọc theo các nửa đường chéo của buồng thử (3 đến A, 3 đến B, 3 đến AA và 3 đến BB trong Hình 2). Các phép đo phải được tiếp tục theo từng bước 80 mm cho đến khi vận tốc không khí theo mỗi hướng trong bốn
hướng giảm xuống nhỏ hơn 9 m/min.

Vận tốc không khí phải được lấy trung bình trong khoảng thời gian 60 s sử dụng tốc độ lấy mẫu không nhỏ hơn 2 Hz.

Vận tốc không khí trung bình qua mỗi hình vành khăn được lấy là giá trị trung bình của 8 vận tốc không khí thu được tại mỗi vị trí phong tốc kế trên bán kính trong và ngoài của hình vành khăn. Bán kính trung bình của mỗi hình vành khăn bằng giá trị trung bình của bán kính trong và bán kính ngoài của hình vành khăn đó.

Vận tốc không khí trung bình nhỏ hơn 9 m/min sẽ bị loại bỏ.

5.2.1.5 Tính lưu lượng gió

Đối với mỗi hình vành khăn có vận tốc không khí trung bình bằng hoặc lớn hơn 9 m/min, tích của diện tích hình vành khăn và vận tốc không khí trung bình qua hình vành khăn đó được lấy là lượng không khí cung cấp qua hình vành khăn đó.

Tổng lượng không khí cung cấp qua tất cả các hình vành khăn như vậy phải được lấy là lưu lượng gió đo được của quạt cho mục đích của tiêu chuẩn này.

Không thực hiện hiệu chỉnh đối với độ ẩm tương đối hoặc áp suất không khí.

5.2.2.1 Buồng thử

Quạt phải được thử nghiệm trong buồng thử nghiệm có các kích thước sau: chiều dài: 4500 mm đối với đường kính cánh hoặc đường kính cánh tương đương (đối với quạt không cánh) không lớn hơn 400 mm và 6000 mm đối với đường kính cánh hoặc đường kính cánh tương đương (đối với quạt không cánh) lớn hơn 400 mm, chiều rộng: 4500 mm, chiều cao: 3000 mm. Buồng phải được bảo vệ thích hợp khỏi các luồng gió từ bên ngoài vào.

Buồng thử nghiệm không được có vật dụng nào khác ngoài giá đỡ quạt.

Bàn hoặc giá bất kỳ để đựng dụng cụ đo điện phải đặt ở phía ngược lại của quạt đến mặt phẳng thử nghiệm, cách 900 mm tính từ mặt phẳng của cánh quạt đối với các quạt không phải là quạt tháp và quạt không cánh hoặc mặt phẳng của đầu ra không khí đối với quạt tháp và quạt không cánh.

CHÚ THÍCH: Đối với quạt tháp, mặt phẳng của đầu ra không khí là mặt cắt thẳng đứng vuông góc với đường tâm. Đối với quạt không cánh, mặt phẳng của đầu ra không khí là mặt phẳng đầu ra gần với phong tốc kế hơn.

Thiết bị điều hòa bất kỳ được sử dụng trong phòng không được ảnh hưởng đến chuyển động của không khí trong buồng thử khi đang tiến hành thử nghiệm.

5.2.2.2 Bố trí thiết bị đo

Quạt phải được đặt trong buồng thử và được bố trí như sau:

Khoảng cách từ tâm hình học của các cánh quạt hoặc đầu ra không khí đến sàn tối thiểu phải là:

– 1200 mm đối với đường kính cánh hoặc đường kính cánh tương đương (đối với quạt không cánh) không lớn hơn 400 mm; hoặc

– 1500 mm đối với đường kính cánh hoặc đường kính cánh tương đương (đối với quạt không cánh) lớn hơn 400 mm.

Khoảng cách đến vách phía sau từ mặt phẳng đầu ra không khí đối với quạt tháp hoặc quạt không cánh hoặc mặt phẳng cánh quạt đối với các quạt không phải quạt tháp và quạt không cánh phải tối thiểu là 1200 mm.

Khoảng cách đến vách phía trước từ mặt phẳng đầu ra không khí đối với quạt tháp hoặc quạt không cánh hoặc mặt phẳng cánh quạt đối với các quạt không phải quạt tháp và quạt không cánh tối thiểu phải là:

– 1800 mm đối với đường kính cánh hoặc đường kính cánh tương đương (đối với quạt không cánh) không lớn hơn 400 mm; hoặc

– 4000 mm đối với đường kính cánh hoặc đường kính cánh tương đương (đối với quạt không cánh) lớn hơn 400 mm.

Khoảng cách từ tâm hình học của đầu ra không khí hoặc của các cánh quạt đến các vách bên tối thiểu phải là 1800 mm.

CHÚ THÍCH: Có thể đặt ở vị trí trung tâm nếu lớn hơn 1800 mm.

Khi thử nghiệm quạt treo trần và quạt treo tường, chúng phải được lắp trên tấm gỗ phẳng thẳng đứng có kích thước 1000 mm × 1000 mm và có độ dày 20 mm ± 1 mm.

Mặt phẳng của phong tốc kế song song với mặt phẳng của đầu ra không khí đối với quạt tháp và quạt không cánh hoặc mặt phẳng cánh quạt đối với các quạt không phải là quạt tháp và quạt không cánh. Khoảng cách giữa hai mặt phẳng bằng 3 lần đường kính cánh hoặc đường kính cánh tương đương (đối với quạt không cánh) với dung sai ± 15 mm.

Đối với quạt tháp, mặt phẳng của phong tốc kế song song với mặt phẳng đầu ra không khí và khoảng cách giữa hai mặt phẳng là 1 200 mm ± 15 mm. Sau đó, quạt tháp được điều chỉnh sao cho hướng của luồng không khí vuông góc với mặt phẳng của phong tốc kế.

Xem Phụ lục C.

Phong tốc kế phải được đỡ theo cách sao cho càng ít ảnh hưởng đến luồng không khí càng tốt.

5.2.2.3 Thiết bị thử nghiệm

Sự chuyển động của không khí phải được đo bằng phong tốc kế phù hợp với phạm vi vận tốc cần đo. Phải sử dụng ít nhất 4 phong tốc kế.

Có thể sử dụng nhiều phong tốc kế hơn để giảm thời gian lập bản đồ lưu lượng không khí của quạt cần thử nghiệm. Cần thận trọng khi sử dụng số lượng phong tốc kế là số chẵn.

– Đối với quạt thông thường, phải sử dụng bộ các phong tốc kế có đường kính trong không quá 100 mm;

– Đối với quạt không cánh và quạt tháp, sử dụng giá thử nghiệm lưu lượng gió tự động:

  • bao gồm một bộ các phong tốc kế có đường kính ngoài không quá 40 mm. Kích thước của phong
    tốc kế phải cho phép lắp đặt nó trong khoảng cách 40 mm giữa hai phong tốc kế. Kích thước,
    phạm vi đo và độ chính xác của một số phong tốc kế được cho trong Phụ lục B;
  • có khả năng giữ các phong tốc kế nằm ngang hoặc thẳng đứng ở khoảng cách 40 mm;
  • có thể điều khiển được theo trục Z (thủ công hoặc tự động) với độ chính xác ± 2 mm;
  • có thể điều khiển từ xa để di chuyển theo trục X và trục Y với độ chính xác ± 1 mm.

CHÚ THÍCH: Kích thước của quạt cần thử nghiệm sẽ xác định số lượng phép đo cần thiết để có được tổng phân bố luồng không khí. Trước khi bắt đầu thử nghiệm, có thể kiểm tra sự phân bố luồng không khí để xác định rằng sự phân bố đó có nằm trong các giới hạn điều chỉnh của giá thử nghiệm theo cả trục Y và trục X hay không. Ví dụ, nếu giá thử nghiệm có thể được điều chỉnh từ −500 mm đến +500 mm theo trục X và trục Y thì quạt tạo ra sự phân bổ 540 mm hoặc lớn hơn sẽ không phù hợp với giá thử nghiệm đó và yêu cầu giá thử nghiệm lớn hơn. Việc tiến hành các phép đo ở các điểm cực trị của giá thử nghiệm để đảm bảo luồng không khí dưới 24 m/min sẽ xác định liệu giá thử nghiệm có mức điều chỉnh phù hợp hay không trước khi bắt đầu thử nghiệm.

5.2.2.4 Quy trình thử nghiệm đối với các quạt làm mát

Phép đo phải được thực hiện với quạt chạy ở tốc độ tối đa và ở điện áp thử nghiệm, với cơ cấu bảo vệ, nếu bình thường được cung cấp, ở đúng vị trí và với cơ cấu chuyển hướng, nếu có, không cho hoạt động. Đối với quạt đảo gió, cánh đảo gió được tháo ra.

Phong tốc kế phải được di chuyển theo cả chiều ngang và chiều dọc so với trục nằm ngang của cánh quạt, chuyển động vuông góc với trục này và có thể mở rộng theo cả hai hướng. Trục của các phong tốc kế phải luôn song song với trục nằm ngang của cánh quạt. Ví dụ về vị trí của 4 phong tốc kế theo hướng ngang và dọc được cho trong Phụ lục A.

Các phép đo vận tốc không khí theo từng hướng trong bốn hướng phải bắt đầu tại điểm cách trục cánh quạt 20 mm và tiến dần theo chiều ngang và chiều dọc đến trục cánh quạt với các bước 40 mm. Các phép đo phải tiếp tục với các bước 40 mm cho đến khi vận tốc không khí trung bình theo mỗi hướng trong bốn hướng giảm xuống thấp hơn 24 m/min.

Vận tốc không khí trung bình phải là giá trị trung bình của các phép đo trong khoảng thời gian 60 s sửdụng tốc độ cập nhật không nhỏ hơn 2 Hz. Trục của các cánh quạt phải nằm ngang trong quá trình thử nghiệm.

Vận tốc không khí trung bình qua mỗi hình vành khăn là giá trị trung bình của 8 vận tốc không khí thu được tại mỗi vị trí của phong tốc kế được lấy theo chiều ngang và chiều dọc ở mỗi bán kính trong và ngoài của hình vành khăn. Bán kính trung bình của mỗi hình vành khăn bằng giá trị trung bình của bán kính trong và bán kính ngoài của hình vành khăn. Vận tốc không khí trung bình dưới 24 m/min sẽ bị loại bỏ.

CHÚ THÍCH: Đối với quạt thông thường, có thể sử dụng phương pháp thử nghiệm đối với quạt không cánh và quạt tháp như quy định ở 5.2.2.6 nhưng tốn nhiều thời gian hơn.

5.2.2.5 Tính lưu lượng gió đối với quạt làm mát

Đối với mỗi hình vành khăn có vận tốc không khí trung bình bằng hoặc lớn hơn 24 m/min, tích của diện tích hình vành khăn và vận tốc không khí trung bình qua hình vành khăn đó được lấy là lượng không khí cung cấp qua hình vành khăn đó.

Tổng lượng không khí cung cấp qua tất cả các hình vành khăn như vậy phải được lấy là lưu lượng gió đo được của quạt cho mục đích của tiêu chuẩn này. Không thực hiện hiệu chỉnh đối với độ ẩm tương đối hoặc áp suất không khí.

5.2.2.6 Quy trình thử nghiệm đối với quạt không cánh và quạt tháp

Phép đo phải được thực hiện với quạt chạy ở tốc độ tối đa và ở điện áp thử nghiệm, với cơ cấu bảo vệ, nếu bình thường được cung cấp, ở đúng vị trí và với cơ cấu chuyển hướng, nếu có, không cho hoạt động.

Các phép đo phải được thực hiện bằng cách di chuyển cánh tay của giá đỡ thử nghiệm luồng không khí để đỡ phong tốc kế như sau:

– dọc theo trục X nếu phong tốc kế được bố trí dọc theo trục Y;

– dọc theo trục Y nếu phong tốc kế được bố trí dọc theo trục X.

Đối với các phong tốc kế được bố trí dọc theo trục X, cánh tay của giá thử nghiệm luồng không khí của phong tốc kế được đặt ở giữa độ cao của đầu ra không khí của quạt.

Đối với các phong tốc kế được bố trí dọc theo trục Y, cánh tay của giá thử nghiệm luồng không khí của phong tốc kế được đặt ở giữa chiều rộng của đầu ra không khí của quạt.

Trong trường hợp các phong tốc kế được bố trí dọc theo trục X, giá thử nghiệm được di chuyển lên dọc theo trục Y với các bước 40 mm cho đến khi các phép đo ở tất cả các vị trí phong tốc kế không vượt quá 24 m/min. Sau đó, giá thử nghiệm luồng không khí của phong tốc kế được đưa trở lại vị trí ban đầu và sau đó được di chuyển xuống dọc theo trục Y với các bước 40 mm cho đến khi các phép đo ở tất cả các vị trí của phong tốc kế không vượt quá 24 m/min.

Trong trường hợp các phong tốc kế được bố trí dọc theo trục Y, giá thử nghiệm được di chuyển sang trái dọc theo trục X với các bước 40 mm cho đến khi các phép đo ở tất cả các vị trí phong tốc kế không vượt quá 24 m/min. Sau đó, giá thử nghiệm luồng không khí của phong tốc kế được đưa trở lại vị trí ban đầu và sau đó được di chuyển sang bên phải dọc theo trục X với các bước 40 mm cho đến khi các phépđo ở tất cả các vị trí của phong tốc kế không vượt quá 24 m/min.

Các phép đo tại mỗi vị trí được thực hiện khoảng 1 min sau khi định vị phong tốc kế.

Phép đo từ mỗi phong tốc kế phải được lấy trung bình trong khoảng thời gian 60 s với tốc độ cập nhật không nhỏ hơn 2 Hz.

5.2.2.7 Tính lưu lượng không khí đối với các quạt không cánh và quạt tháp

Lưu lượng không khí tổng của quạt phải được tính bằng cách giả sử rằng mỗi điểm đo biểu thị vận tốc không khí đi qua một hình vuông có kích thước 40 mm × 40 mm có tâm quanh điểm đó (xem Hình 3).

Do đó, lưu lượng không khí có thể được tính bằng cách nhân vận tốc không khí đo được với diện tích A của mỗi ô vuông (xem Hình 3).

Diện tích A của mỗi ô vuông = 40 mm × 40 mm = 1 600 mm2 = 0,001 6 m2. Nếu mỗi phép đo vận tốc không khí tính bằng m/min là Ui và số ô vuông có số đo vận tốc không khí trên 24 m/min là N thì tổng lưu lượng không khí của quạt sẽ bằng tổng của tất cả các lưu lượng không khí riêng lẻ qua từng ô vuông được tính bằng:

Lưu lượng không khí tổng, tính bằng:

Lưu lượng không khí tổng

5.3 Thử nghiệm tính năng

Bộ điều chỉnh của quạt làm mát không phải là quạt không cánh phải có khả năng giảm tốc độ của quạt, tính bằng vòng/phút. Hệ số hiệu chỉnh được đo như sau. Quạt được cấp điện ở điện áp danh định và tần số danh định. Cơ cấu chuyển hướng, nếu có, bị ngắt kết nối. Bộ điều chỉnh được đặt ở vị trí tốc độ cao nhất và đo tốc độ quay. Sau đó bộ điều chỉnh được đặt ở vị trí tốc độ thấp nhất và đo tốc độ quay. Hệ số hiệu chỉnh là tốc độ đo được ở giá trị đặt thấp nhất chia cho tốc độ đo được ở giá trị đặt cao nhất.

Bộ điều chỉnh quạt không cánh phải có khả năng giảm vận tốc không khí. Hệ số hiệu chỉnh được đo như sau. Quạt được cấp điện ở điện áp danh định và tần số danh định. Cơ cấu chuyển hướng, nếu có, bị ngắt kết nối. Bộ điều chỉnh được đặt ở vị trí vận tốc không khí cao nhất và đo vận tốc không khí. Sau đó bộ điều chỉnh được đặt ở vị trí vận tốc không khí thấp nhất và đo vận tốc không khí. Hệ số hiệu chỉnh là vận tốc không khí đo được ở giá trị đặt thấp nhất chia cho vận tốc không khí đo được ở giá trị đặt cao nhất.

5.4 Đo công suất vào quạt

Công suất vào của quạt được đo khi quạt nối với nguồn ở điện áp thử nghiệm và, đối với quạt xoay chiều, ở tần số thử nghiệm. Các tụ điện, nếu có, gắn với quạt phải được giữ lại trong mạch điện. Bộ điều chỉnh, nếu có, phải được đặt ở vị trí đặt lớn nhất và cơ cấu chuyển hướng cũng như cánh đảo gió, nếu có, không cho hoạt động. Các đèn điện, nếu có, phải được ngắt điện.

5.5 Đo mức công suất âm thanh

Áp dụng IEC 60704-2-7.

5.6 Đo công suất chờ

Áp dụng IEC 62301.

Hình 1 – Bố trí buồng thử và màn chắn bên ngoài của quạt trần

(Kích thước tính bằng milimét)

Hinh_1_Du_Thao_TCVN_Quat_Lam_Mat

CHÚ DẪN

1 màn chắn bên ngoài;

2 buồng thử;

3 màn chắn bên ngoài được cắt ra để thể hiện lỗ hở dưới đáy của buồng thử;

D1 = 4 500 mm

D2 = 1 000 mm to 1 250 mm

D3 = 450 mm

D4 = chiều cao đến trần ≥ 1 000 mm

D5 = chiều cao của màn chắn bên ngoài ≥ 3 000 mm

D xem 5.2.1.1 đối với đường kính D

Hình 2 – Sơ đồ buồng thử và màn chắn bên ngoài của quạt trần

(Kích thước tính bằng milimét)

Hinh_2_Du_Thao_TCVN_Quat_Lam_Mat

CHÚ DẪN

1 màn chắn bên ngoài;

2 buồng thử;

3 trục thẳng đứng của quạt;

4 đường kính lỗ hở trên nóc D

D xem 5.2.1.1 đối với đường kính D

D2 xem Hình 1

Hình 3 – Bố trí buồng thử và màn chắn bên ngoài của quạt trần

(Kích thước tính bằng milimét)

Hinh_3_Du_Thao_TCVN_Quat_Lam_Mat

CHÚ DẪN

A diện tích xung quanh điểm đọc được sử dụng để tính lưu lượng;

X trục X của lưới các điểm đo;

Y trục Y của lưới các điểm đo;

Đặt 4 phong tốc kế theo các hướng ngang và dọc

Sơ đồ bố trí vị trí của 4 phong tốc kế theo hướng ngang và dọc được thể hiện trong Hình A.1.

_Du_Thao_TCVN_Quat_Lam_Mat

Hình A.1 – Cấu hình 4 phong tốc kế dùng cho quạt làm mát

Kích thước, dải đo và cấp chính xác của phong tốc kế

Kích thước, dải đo và cấp chính xác của phong tốc kế được thể hiện trong Bảng B.1.

Hinh_B.1_Du_Thao_TCVN_Quat_Lam_Mat

Hình B.1 – Phong tốc kế sử dụng khi thử nghiệm quạt không cánh và quạt tháp

Điều chỉnh luồng không khí đối với quạt tháp

Điều chỉnh quạt tháp như thể hiện trên Hình C.1 sao cho vec tơ vận tốc không khí vuông góc với mặt phẳng của phong tốc kế.

Hinh_C_Du_Thao_TCVN_Quat_Lam_Mat

Hình C.1 – Bố trí quạt tháp

CHÚ DẪN

A Quạt tháp cần thử nghiệm

B Phong tốc kế

C Véc tơ vận tốc không khí

α Góc giữa véc tơ vận tốc không khí và đường nằm ngang

[1] IEC 60335-2-80, Household and similar electrical appliances – Safety – Part 2-80: Particular requirements for fans

[2] IEC 60665, A.C. ventilating fans and regulators for household and similar purposes – Methods for measuring performance

[3] IEC 61000-3-2, Electromagnetic compatibility (EMC) – Part 3-2: Limits – Limits for harmonic current emissions (equipment input current ≤ 16 A per phase)

[4] IEC 61000-3-3, Electromagnetic compatibility (EMC) – Part 3-3: Limits – Limitation of voltage changes, voltage fluctuations and flicker in public low-voltage supply systems, for equipment with rated current ≤16 A per phase and not subject to conditional connection

[5] CISPR 14-1, Electromagnetic compatibility – Requirements for household appliances, electric tools and similar apparatus – Part 1: Emission

[6] CISPR 14-2, Electromagnetic compatibility – Requirements for household appliances, electric tools and similar apparatus – Part 2: Immunity – Product family standard

Dự thảo TCVN xxxx:2024 (IEC 60879:2019), Quạt làm mát và bộ điều chỉnh dùng trong gia đình và các mục đích tương tự – Phương pháp đo tính năng là một trong những cơ sở cho các hoạt động dán nhãn năng lượng tự nguyện, chứng nhận sản phẩm phù hợp, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng như các hoạt động chỉ định và đăng ký phòng thử nghiệm. Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có ý kiến đóng góp cho dự thảo, vui lòng gửi về Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam trước ngày 18/11/2024.

Vui lòng chờ vài giây để loading Dự thảo TCVN xxxx:2024 (IEC 60879:2019), Quạt làm mát và bộ điều chỉnh dùng trong gia đình và các mục đích tương tự – Phương pháp đo tính năng

Ấn vào đây để download Dự thảo TCVN xxxx:2024 (IEC 60879:2019), Quạt làm mát và bộ điều chỉnh dùng trong gia đình và các mục đích tương tự – Phương pháp đo tính năng

Xem thêm các bài viết sau:

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN PHÒNG THỬ NGHIỆM PHÚC GIA
TRUNG TÂM CHỨNG NHẬN PHÚC GIA
TRUNG TÂM THỬ NGHIỆM KIỂM ĐỊNH PHÚC GIA
Địa chỉ: Cảng cạn ICD Long Biên, Số 1 Huỳnh Tấn Phát, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0981.996.996/ 0982.996.696/ 024 7779 6696
E-mail: [email protected]                                Website: phucgia.com.vn

2024-12-12T10:22:02+07:00
zalo-icon
facebook-icon
linkin-icon
phone-icon